Nhà nước cần hỗ trợ Kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên ngành CNTT (P1)
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 17:17, 16/10/2015
Ngày 01/7/2014, Bộ Chinh trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 36- NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một trong số 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 36-NQ/TW nêu rõ “Tăng cường và bảo đảm đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên CNTT, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để đưa sinh viên đi nghiên cứu, thực tập, làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài"[1]. Bài viết này đánh giá, phân tích thực trạng cung, cầu nhân lực CNTT ở nước ta, tập trung đến kỹ năng làm việc thực tế. Tiếp đó, bài viết đề xuất một số nội dung chính nhằm xây dựng Chương trình của Nhà nước hỗ trợ, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho sinh viên CNTT để sinh viên ra trường có thể tham gia ngay vào thị trường nhân lực.
Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong số các ngành công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển. Ngành CNTT của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để khai thác tốt các cơ hội này, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đang đặt ra hết sức bức thiết. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển CNTT tại Việt Nam là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó có thể kể đến: Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01/6/2009 và Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 [2,3] và gần đây nhất là Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực CNTT đã thu được nhiều thành tựu quan trọng nhưng còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Một trong số đó là vấn đề đa số sinh viên mới tốt nghiệp chưa thể làm việc được ngay do yếu thực hành và thiếu các kỹ năng làm việc cần thiết. Từ lâu, ở các nước phát triển, việc đào tạo thực tế OJT (On Job Training) được đặc biệt quan tâm và triển khai khá rộng rãi nhưng ở nước ta chưa thực sự phổ biến mà mới chỉ được áp dụng ở một số trường và doanh nghiệp lớn.
THỰC TRẠNG "CẦU"
Thị trường nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay có nhu cầu rất lớn không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng đối với đội ngũ nhân lực CNTT. Nhu cầu này không chỉ xuất phát từ phía các doanh nghiệp CNTT trong nước mà cả các doanh nghiệp CNTT nước ngoài, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào WTO. Trong hơn 400 trường đại học và cao đẳng trên cả nước, có đến 2/3 trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT (khoảng 290 trường). Chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT-VT cũng tăng theo từng năm, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 (khoảng 67.518 sinh viên) tăng so với năm 2012 (khoảng 65.501 sinh viên). Số lượng người tốt nghiệp ngành CNTT-VT tăng đều đặn hằng năm: năm 2013 đạt khoảng 42.896 người, tăng gần 3.000 người so với năm 2012 [5]. Tuy nhiên, dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT tăng hằng năm nhưng nhân lực ngành CNTT đến nay vẩn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Trong khi hầu hết ngành kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang không tuyển đủ lao động CNTT, mỗi năm vẩn có hàng nghìn sinh viên CNTT tốt nghiệp không thể tìm được việc làm. Từ khi gia nhập WTO cuối năm 2006 đến nay, hàng loạt công ty, tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đầu tư mới vào Việt Nam với nhu cầu nhân sự rất lớn. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức to lớn trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành CNTT và nền kinh tế.
Nhiều sinh viên CNTT mới tốt nghiệp không đáp ứng ngay được các yêu cầu công việc từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Intel Việt Nam trước khi mở nhà máy đã kiểm tra 2.000 sinh viên tốt nghiệp về kỹ năng giải quyết vấn đề nhưng chỉ chọn được 90 người [10]. Khi tuyển dụng cử nhân, kỹ sư CNTT mới ra trường, doanh nghiệp sử dụng lao động thường phải mất thời gian và kinh phí đào tạo bổ sung để khắc phục một số hạn chế cơ bản như: trình độ ngoại ngữ còn yếu (chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Nhật), thiếu kiến thức cập nhật về kỹ thuật mà các doanh nghiệp hiện đang áp dụng, thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tư duy sáng tạo...). Đặc biệt, hẩu hết các doanh nghiệp đều có chung ý kiến cho rằng năng lực thực hành của sinh viên mới ra trường còn yếu, kiến thức học chưa được vận dụng hiệu quả vào xử lý công việc. Theo đại diện công ty TMA, sinh viên CNTT ra trường thiếu cả kỹ năng thực hành và giao tiếp nên chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Công ty Renesas Việt Nam dù đã tuyển chọn kỹ lưỡng thì sinh viên CNTT tốt nghiệp cũng phải qua từ 3-6 tháng đào tạo bổ sung mới làm việc được [11].
Theo khảo sát, đánh giá của Ngân hàng thế giới, khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi được tuyển dụng. Một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại khoảng 80 - 90% những sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian ít nhất một năm [9]. Như vậy, thông thường, sinh viên mới tốt nghiệp thường phải trải qua quá trình đào tạo từ 6 tháng đến một năm trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp mới có thể làm việc độc lập được. Điều này không chỉ gây ra lãng phí về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp, sinh viên mà còn của toàn xã hội nói chung.
Theo kết quả điều tra năm 2013 của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế về giai đoạn chuyển tiếp từ trường học tới việc làm. Kết quả ban đầu cho thấy, phần lớn thanh niên Việt Nam (khoảng 59%) đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động với khoảng 23% vẫn đang đi học và số còn lại đang trong quá trình chuyển tiếp [8]. Thời gian chuyển tiếp từ nhà trường đến việc làm của thanh niên Việt Nam rất dài, nhiều người làm việc có yêu cầu thấp hơn trình độ. Trong số thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp, chỉ khoảng một nửa tìm được việc làm ổn định, nửa còn lại đang làm những việc tạm thời. Thanh niên Việt Nam mất trung bình 6 năm để tìm kiếm một công việc ổn định.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do sinh viên CNTT thiếu các điều kiện và môi trường thực để thực hành các kiến thức được đào tạo, thiếu trải nghiệm các dự án thực với sự hướng dẫn của những nhà quản lý dự án, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn. Chương trình đào tạo CNTT tại các trường đại học, cao đẳng chậm được cập nhật, chưa chú trọng đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng chuyên sâu theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và các kỹ năng làm việc cho sinh viên. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng làm việc cơ bản, kỹ năng này ít được quan tâm giảng dạy trong nhà trường, như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, sử dụng ngoại ngữ.
Để góp phần giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra như trên, có thể, trước mắt cần tiến hành các biện pháp nhằm hỗ trợ sinh viên CNTT sớm tiếp cận với môi trường làm việc thực tế trong các doanh nghiệp, đồng thời đào tạo bổ sung các kiến thức, kỹ năng còn thiếu để sinh viên CNTT có thể chủ động gia nhập thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp. Điều đó cũng góp phần thúc đẩy hình thành, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhằm hướng đến mô hình đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực CNTT. Do vậy, hỗ trợ sinh viên CNTT bổ sung kiến thức làm việc và thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức là nội dung phù hợp với nhu cầu của cả nhà trường, doanh nghiệp và bản thân sinh viên.