Triển khai TDPS truyền hình địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng trên hạ tầng TDPS truyền hình số mặt đất
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 14:04, 16/10/2015
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, bà Lại Thị Bích, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty RTB cho biết, theo nhiệm vụ được giao, RTB sẽ phủ sóng trên toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm 14 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ. Từ 19/5/2015, Công ty RTB đã phát sóng thử nghiệm truyền hình số mặt đất tại Hà Nội trên K48 với máy công suất thấp (dưới 2kW số) tại cột phát sóng Tô Hiệu, Hà Đông (cao 101m) của Đài PTTH Hà Nội. Từ ngày 17-19/6, Đài PTTH Hà Nội đã chuyển máy phát hình analog công suất 30kW, K49 của hãng NEC sang phát số DVB-T2 (15kW) và thực hiện đo kiểm. Ngày 21/9/2015, Cục Tần số Vô tuyến điện cấp phép cho RTB phát K49 trong khoảng thời gian nhất định, đến ngày 23/9/2015, RTB chính thức phát máy phát K49, công suất 14,5kW số của hãng NEC từ hệ thống anten UHF 56 panel trên cột cao 252m của Đài PTTH Hà Nội tại phường Phú Đô – quận Từ Liêm, Hà Nội với bán kính vùng phủ sóng ổn định khoảng 65 – 68km. Cá biệt có hướng, có thời điểm (Thường vào buổi tối) đi xa tới 75 – 76km (xã Hợp Tiến, Đông Hưng, Thái Bình), thậm chí vươn tới Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định – gần 97km.
Bà Lại Thị Bích cũng cho biết, hiện tại, ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Bộ TT&TT đã cấp phép cho Công ty RTB và RTB phải triển khai làm nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng trên địa bàn sông Hồng như cam kết khi xin giấy phép. Do đó, trong tháng 10/2015, Công ty sẽ triển khai máy phát hình số K48 tại Hà Nội, Hải Phòng thiết lập mạng đơn tần – SFN – K 48 đảm bảo đúng lộ trình số hóa của Chính phủ để Ban Chỉ đạo, Bộ TT&TT quyết định chấm dứt phát analog một số kênh tại Hà Nội, Hải Phòng vào ngày 31/12/2015 và chấm dứt hoàn toàn vào tháng 3/2016. Hiện nay, vùng phủ sóng của máy phát K49, công suất 15kW của Công ty đã bao phủ khá nhiều tỉnh lân cận Hà Nội. Công ty RTB sẽ thực hiện phát sóng tại các tỉnh thuộc nhóm II ở khu vực Đồng bằng sông Hồng trước ngày 30/6/2015, đáp ứng thời điểm tắt sóng của Đề án.
Bên cạnh đó, được sự đồng ý của các Đài, RTB đã thực hiện khảo sát hạ tầng của Đài PTTH Hải Phòng, Hà Nam và Bắc Ninh, trong thời gian tới Công ty RTB sẽ phối hợp với các Đài địa phương để khảo sát hạ tầng và đo kiểm thực tế. Trên cơ sở số liệu về vùng phủ sóng, cường độ trường, Công ty RTB sẽ khẩn trương triển khai lắp máy phát tại nhiều tỉnh để phủ sóng đồng đều tại các tỉnh nêu trên. Để thực hiện truyền dẫn phát sóng DVB-T2 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, RTB mong muốn hợp tác với các Đài PTTH 14 tỉnh/thành với mục tiêu tận dụng tối đa nguồn lực, hạ tầng sẵn có của các đài địa phương bằng phương thức hợp tác sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật như nhà trạm, cột anten, hệ thống máy phát và nhân lực vận hành tối ưu nhất. Để đảm bảo vùng phủ sóng ổn định, an toàn, Công ty RTB sẽ đặt máy phát tại trụ sở, hay cột phát sóng của 14 tỉnh/thành Đồng bằng sông Hồng mà công ty có trách nhiệm truyền dẫn phát sóng.
Đại diện các tỉnh/thành phố, các Đài phát thanh truyền hình Đồng bằng Sông Hồng tham dự Hội nghị cũng có kiến nghị với Bộ TT&TT về việc đảm bảo phát sóng không bị gián đoạn, nhất là các kênh phục vụ nhiệm vụ chính trị, các kênh thiết yếu. Nếu không phủ được thì phải xem xét kế hoạch ngừng phát sóng; Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng giám sát doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và các đơn vị được giao nhiệm vụ TDPS để đảm bảo quyền lợi người xem; Về vấn đề hỗ trợ đầu thu cho các đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương cũng đề nghị được hỗ trợ sớm, đi trước một bước, trước cả khi tắt mềm ở các địa phương; Ban hành một số văn bản về chính sách hỗ trợ đài đầu tư trang thiết bị...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết để thực hiện tốt Đề án và đúng thời điểm tại các địa phương thì công tác tuyên truyền cần được bám sát và tăng cường để người dân hiểu rõ về lộ trình của Đề án; RTB và các địa phương cần làm việc chi tiết về hạ tầng kỹ thuật, cơ chế nhân lực để Đề án triển khai tốt hơn tại các tỉnh/thành phố; tổ chức tốt việc hỗ trợ đầu thu cho người nghèo, cận nghèo mà địa phương đã xác định ngoài sự hỗ trợ của trung ương. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng đề nghị Hải Phòng phải chủ động hơn trong các kế hoạch hợp tác truyền dẫn phát sóng để lúc tắt sóng analog thì người dân vẫn xem đuợc truyền hình.