Vào TPP, lao động Việt Nam được gì, mất gì?
Chính phủ số - Ngày đăng : 14:02, 16/10/2015
TS Vũ Quang Thọ (ảnh VH)
Chúng ta vừa vỡ òa trong niềm vui đàm phán thành công TPP. Vấn đề bây giờ là phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng các yêu cầu mới khi tham gia vào sân chơi chung. Thêm vào đó, khi tham gia TPP, người lao động Việt Nam được gì, mất gì, được nhiều hay mất nhiều?
Liên quan đến nội dung này, VOV.VN phỏng vấn ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam).
PV: Thưa ông, cơ hội lớn nhất người lao động Việt Nam nhận được khi Việt Nam tham gia TPP là gì?
Ông Vũ Quang Thọ: Về việc làm, TPP tạo cơ hội lớn cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực như may mặc, giầy da, thủy sản, lắp ráp thiết bị điện tử… Về tiền lương, TPP vừa là đòi hỏi bắt buộc, vừa là động lực để chúng ta thay đổi cơ cấu đầu tư, chuyển dịch nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Trong chiều hướng phát triển hiện nay, gia nhập TPP và hội nhập kinh tế nói chung, với tầm nhìn lâu dài và tổng tể, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng được cải thiện tốt hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy các thế mạnh của Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày… là những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn, giá trị sức lao động thấp, điều kiện lao động kém, việc làm và thu nhập khá bấp bênh. Bên cạnh đó, cũng có không ít ngành, lĩnh vực nội địa chịu sức ép cạnh tranh, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nguy cơ giảm việc làm, như: dịch vụ, thương mại, sản xuất hàng hóa công nghệ cao…
PV: Về hoạt động công đoàn, theo ông sẽ có những vấn đề gì đặt ra đối với tổ chức công đoàn hiện nay?
Ông Vũ Quang Thọ: Về cơ bản, TPP đặt ra yêu cầu phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổng chức Lao động quốc tế (ILO) là: Quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm; Xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em. Tuy nhiên, các qui định này không phải là vấn đề mới, đã và đang được ILO thực thi và ghi nhận trong các văn kiện của mình, mà Việt Nam là một thành viên.
Không ai có quyền ra lệnh cho công nhân lao động, gốc của công đoàn là tự nguyện. Liên đoàn là một tổ chức chính trị-xã hội của công nhân lao động tự nguyện liên kết với nhau thành lập ra nó. Những cán bộ công đoàn hoạt động trong tổ chức công đoàn là vì họ vì việc làm và họ thấy cần phải hiến thân cho sự nghiệp cao cả của công nhân lao động. Công nhân lao động là thế yếu nên tự nguyện liên kết với nhau thành lập Hiệp hội sau đó mới là tổ chức công đoàn.
Ở Việt Nam, công đoàn có chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động; tuyên truyền vận động, giáo dục công nhân lao động; tham gia cùng các tổ chức trong một quốc gia (bao gồm chủ sử dụng lao động, chính phủ, các tổ chức chính quyền) để xây dựng các phương án, nghị quyết, văn bản để thông qua đó thể hiện chính kiến của mình bảo vệ tổ chức mà mình đại diện. Trong ba chức năng này thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là chức năng cơ bản, nguyên thủy, duy nhất của tổ chức công đoàn.
PV: Đến thời điểm này điều khiến ông lo nhất đối với đội ngũ công nhân lao động Việt Nam là gì?
Ông Vũ Quang Thọ: Tôi lo nhất là tay nghề và kỷ luật lao động. Hàng hóa của ta vào được nhiều nước mà không có cản trở gì cả. Khi đó việc làm sẽ tăng lên. Thế nhưng lao động các nước khác cũng vào Việt Nam làm việc, cạnh tranh với chính nguồn lao động trong nước.
Chúng ta hội nhập thì vấn đề tiền lương cũng sẽ giảm bớt đi áp lực. Nhưng chúng ta cũng có thách thức gay cấn nhất đó là trình độ tay nghề của chúng ta không theo kịp thế giới. Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động Việt Nam kém xa so với người lao động của Thái Lan, Malaysia và đặc biệt so với Indonesia. Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với những nước trung bình khá trên thế giới.
Vào TPP, vấn đề lao động, Việt Nam đối mặt với khoảng cách về chuyên môn, trình độ, kỹ năng, tay nghề và sự thông hiểu của người Việt Nam về những luật lệ quốc tế. Người Việt Nam vẫn quen thói “phép vua thua lệ làng”. Nhiều thách thức với lao động Việt Nam, lớn nhất trong thị trường lao động là chuyên môn, kỷ luật lao động và sự hiểu biết của người lao động về TPP, yêu cầu của TPP. Chỉ có người lao động Việt Nam mới có khái niệm “nhảy việc”.
PV: Xin cảm ơn ông!/.