Góp ý văn kiện Đại hội Đảng:Vì sao có cán bộ không dám nói 'tiếng dân'
Chính phủ số - Ngày đăng : 13:46, 16/10/2015
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, tiêu đề của dự thảo Văn kiện lần này nhấn mạnh đến việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, ông rất mừng vì khi chuẩn bị Đại hội IX, ông cũng được tham gia chắp bút và hai chữ “dân chủ” lúc bấy giờ đã gây tranh cãi rất nhiều. Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị ngày 17/11/1993 về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường mặt trận thống nhất không đưa được 2 chữ “dân chủ” vào và đến Đại hội IX cũng chưa làm được.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
“Vì thế việc đưa nội dung phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa vào dự tiêu đề dự thảo Văn kiện lần này có thể nói đây là một nhận thức rất lớn của Đảng ta về vấn đề dân chủ. Đây cũng là sự cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Bác Hồ đã dạy, muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự. Trong bối cảnh chúng ta đang cần một sự đoàn kết vững chắc thì lại càng không thể không có dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của xã hội”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
PV: Với những dẫn chứng như ông vừa nêu thì việc đưa 2 chữ “dân chủ” vào tiêu đề dự thảo Văn kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thưa ông?
Ông Nguyễn Túc: Hai yếu tố quan trọng để đạt được việc đại đoàn kết dân tộc là vấn đề dân chủ và hài hòa lợi ích. Bây giờ phát triển kinh tế nhiều thành phần, mà trong bối cảnh hòa bình, “cái tôi” và “cái ta” phải hài hòa, đan xem nhau, nếu không giải quyết hài hòa lợi ích, không giải quyết dân chủ thì không có đại đoàn kết bền vững.
Tôi rất mừng Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn vấn đề dân chủ, Cương lĩnh của Đảng cũng đưa vấn đề dân chủ thành một động lực và kỳ này đưa vào Đại hội XII. Nhưng tôi lại lo vì đưa được dân chủ vào nội dung Đại hội Đảng nhưng liệu có làm đến nơi đến chốn không? Bởi hiện nay có tình trạng nói nhiều nhưng làm ít, hoặc có làm nhưng lại làm không đến nơi đến chốn.
Khi đã đưa vào tiêu đề và là nội dung của thời kỳ sắp tới, phải làm sao cụ thể hóa mục tiêu bằng những chính sách cụ thể để phát huy quyền làm chủ của dân. Đó là điều dân rất mong muốn. Làm chủ ở đây gồm quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm. Tôi rất mong điều đó sẽ được thực thi trong thời gian tới.
PV: Nói đến phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì MTTQ Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Vậy theo ông, dự thảo Văn kiện lần này đã đánh giá đúng vai trò của Mặt trận hay chưa?
Ông Nguyễn Túc: Trong dự thảo Văn kiện, phần viết về MTTQ Việt Nam có ngắn gọn hơn, nhưng xúc tích chưa bằng các kỳ trước. Về các chính sách, kỳ này nhấn mạnh đến quyền làm chủ của dân thông qua MTTQ Việt Nam.
Tôi cũng rất mừng là cuối năm 2013, Bộ Chính trị có Quyết định 217, 218 về vấn đề giám sát, phản biện xã hội và MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể, nhân dân tham gia vào việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tôi cho rằng đó là những điểm rất mới, nếu làm tốt việc này chính là phát huy quyền làm chủ của dân. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa lên bước phát triển mới. Khi dân đã tham gia và đồng lòng, nhất định sẽ thành công.
Như thời gian vừa qua, việc xây dựng nông thôn mới đã phát huy được quyền làm chủ của dân, huy động sức mạnh toàn dân, thì có được điện, đường, trường, trạm như ngày nay.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam để Mặt trận làm tốt nhiệm vụ của mình?
Ông Nguyễn Túc: Bây giờ chủ trương của Đảng có, chính sách cũng đã có. Bây giờ thực thi các chủ trương đường lối chính sách của Đảng như thế nào phải từ cả lãnh đạo các địa phương.
Nhưng thực tế, nhiều địa phương chưa quan tâm đến Mặt trận, chưa quan tâm đến phát huy dân chủ, nhiều người ở trong cấp ủy mà phụ trách công tác dân vận, mặt trận nhưng không dám nói trung thực tiếng nói của dân. Có nhiều người coi thường Mặt trận qua những hành động cụ thể, như thế thì không thể nào tạo được động lực ở các địa phương mà họ phụ trách để khơi dây sức mạnh của dân trong công cuộc phát triển đất nước. Có những người nghĩ rằng “đấu tranh, tránh đâu”, nhất là những người chủ chốt, đứng đầu cấp ủy và không có quan điểm thực sự cầu thị, không lắng nghe ý kiến của dân.
Tôi chỉ mong muốn nhận thức của các cấp ủy Đảng, nhất là những lãnh đạo chủ chốt về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sâu sắc hơn.