CĐS quản lý đất đai: Kinh nghiệm Nhật Bản và đề xuất cho Việt Nam
Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 06:24, 20/10/2022
CĐS quản lý đất đai là cấp thiết
Tại Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản "Chuyển đổi một xã hội số bao trùm" do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ôngKosuke Iimura, Giám đốc Ban Kinh doanh công và chính phủ, Fujitsu Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc quản lý hành chính đất đai bằng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT).
Theo đại diện Tập đoàn Fujitsu, đối với bất kỳ quốc gia nào, quản lý hành chính đất đai là vấn đề quan trọng, cơ bản nhất và gồm 2 yếu tố chính là: yếu tố vật lý (quan hệ vị trí, kích thước, thuộc tính của thửa đất...) và yếu tố phi vật lý (quyền lợi của thửa đất).Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm Việt Nam cần cải thiện, đặc biệt là quản lý yếu tố phi vật lý với quan điểm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế, trong đó, xây dựng môi trường hành chính, thực hiện minh bạch hóa quyền lợi cần được coi là một nhiệm vụ trọng tâm.
Theo một số kết quả khảo sát, ông Kosuke Iimuracho biết tại Việt Nam những thông tin về đăng ký đất đai chưa được thu thập và quản lý sử dụng một cách đầy đủ và đó chính là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề của xã hội. "Điểm mấu chốt ở đây là chúng tôi nhận thấy các thông tin về đăng ký đất đai chưa được công khai. Ví dụ như các thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất hay thông tin liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ và sổ đỏ bị làm giả hay các giao dịch bất động sản, mua bán đất đai không sử dụng sổ đỏ hay thông qua các cơ quan chức năng".
Thêm nữa, theo ông Kosuke Iimura, cũng có những vấn đề xảy ra do không tiếp cận được với các thông tin về đất đai cho nên dẫn đến việc thu hồi đất đai cũng bị chậm trễ và ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án hoặc là vấn đề hạn chế tiếp cận tài chính, nguồn vốn vay của các cơ quan tài chính, của DN.
Ví dụ như 1 sổ đỏ chỉ có thể thế chấp được ở 1 ngân hàng, không thể thế chấp ở 1 ngân hàng thứ hai hay ngân hàng thứ 3, trong khi đó giá trị của sổ đỏ đó vẫn còn sử dụng. Đây cũng là một vấn đề hạn chế DN, các nhà đầu tư có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay thế chấp tài sản là đất đai và dẫn đến một số hạn chế về thu hút đầu tư.
Xây dựng hệ thống CNTT cần thiết để đưa chính sách vào thực tiễn
Nhật Bản đã có khoảng 150 năm kinh nghiệm trong quản lý về đăng ký bất động sản và 50 năm kinh nghiệm tin học hóa trong lĩnh vực này khi bắt đầu thực hiện quản lý đất đai bằng cách ứng dụng tin học hóa từ năm 1972. Theo đó, Nhật Bản tiến hành một loạt các công việc như là xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), triển khai mở rộng các dịch vụ công.
Với những kinh nghiệm tham gia CĐS quản lý đất đai tại Nhật Bản ngay từ đầu khi là tập đoàn CNTT được chính phủ Nhật Bản giao nhiệm vụ xây dựng phát triển hệ thống thông tin đăng ký, đặc biệt là hệ thống thông tin quản lý đất đai từ năm 1972 và là tập đoàn đã có 20 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Kosuke Iimura cho biết Fujitsu luôn mong muốn góp phần đẩy mạnh tiến độ trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của Việt Nam bằng cách ứng dụng công nghệ số.
Theo ông Kosuke Iimura,Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề trong quản lý đất đai và có thể áp dụng những kinh nghiệm của Nhật Bản để giải quyết vấn đề đó. Cụ thể là cần xây dựng hệ thống CNTT (IT) hỗ trợ vận hành, quản lý đất đai và xây dựng cơ chế cho phép chia sẻ công khai thông tin.
Yêu cầu của hệ thống là: không gây đình trệ giao dịch kinh tế (đảm bảo tính an toàn, tính khả dụng, khả năng lưu trữ…); ddáp ứng song song phúc lợi xã hội và an toàn thông tin cá nhân.
Mô hình hệ thống là: Hoạt động không ngừng (Hệ thống nền tảng phát triển kinh tế); Cách suy nghĩ tổ chức đăng ký riêng từng thửa đất; lấy tiêu điểm là quan hệ quyền lợi, bổ sung "Hệ thống đăng ký" (Hệ thống này kết nối với "Hệ thống quản lý đất đai" đang được xây dựng).
Ngoài hệ thống quản lý đất đai hiện tại, ôngIimura cho biết cần có thêm hệ thống đăng ký đất đai mới có thể liên kết với nhau. "Chúng tôi được biết, cho đến nay, Việt Nam chỉ dùng sổ đỏ cấp cho những chủ sở hữu quyền sử dụng đất và cuốn sổ đỏ này được coi là hồ sơ chứng minh quyền lợi của người liên quan. Vì vậy, chúng tôi đề xuất phương án sau này là chứng minh thông tin về quyền lợi liên quan đến đất đai đối với người dân và chia sẻ công khai thông tin này. Hơn thế, xu hướng của hệ thống quản lý đất đai là xây dựng hệ thống cho phép tra cứu, đối chiếu những thông tin nêu trên qua mạng Internet".
Công khai thông tin đất đai là nền tảng để bước vào kỷ nguyên CĐS
Cũng theoông Kosuke Iimura, cần xây dựng cơ chế nhà nước tổng hợp thông tin thay đổi của chủ sở hữu đất đai. "Chúng tôi tin rằng giải pháp này có thể góp phần làm rõ mối quan hệ về quyền và lợi ích của các bên liên quan".
"Cần thiết phải quản lý các thông tin về các quyền liên quan đến đất đai và làm rõ các nội dung thông tin này bởi không chỉ giúp cho chính phủ thực hiện tốt các việc quản lý, mà còn giúp cho người dân, doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận sử dụng các thông tin mà các cơ quan nhà nước công bố, chia sẻ để có thể thực hiện các giao dịch bất động sản một cách an toàn", ông Kosuke Iimura cho biết thêm.
Tại điều 1 Luật đăng ký bất động sản của Nhật Bản có ghi: "Bộ luật này hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đảm bảo giao dịch an toàn, thuận lợi dựa trên những quy định về cơ chế đăng ký, công khai thông tin bất động sản và quyền lợi liên quan đến bất động sản".
Để xác định tính xác thực chủ sở hữu bất động sản, ông Kosuke Iimura cho rằng không chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà cần xem xét lại cơ chế quản lý nhà nước dựa trên Giấy chứng nhận đó. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế chia sẻ công khai thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu bất động sản đó với bên thứ ba. Khi những thông tin về chủ sở hữu được chia sẻ rõ ràng thì những rủi ro từ Giấy chứng nhận giả sẽ được giảm bớt.
"Chúng ta có thể nâng cao được tính an toàn trong giao dịch mua bán bất động sản, xử lý nhanh được nợ xấu và những tài sản thế chấp cũng như là giúp cho các DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay bằng cách thế chấp tài sản và cung có thể giúp quản lý chặt chẽ hơn trong việc thu thuế, từ đó tăng thu ngân sách Nhà nước và nâng cao được năng lực quản trị của các cơ quan quản lý", ông Kosuke Iimura cho hay.
Cũng theo ông Kosuke Iimuram, "Lĩnh vực quản lý đất đai là lĩnh vực có ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động của các nước, vì vậy mà phương châm hoạt động cũng cần được thống nhất".Theo đó, Việt Nam quản lý đất đai cũng cần xây dựng môi trường đầu tư có sử dụng các dữ liệu về đất đai, xây dựng hệ sinh thái và quan trắc đất đai bằng công nghệ bản sao số.
"Tôi nghĩ rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn, nếu làm tốt việc này thì sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc làm này không chỉ giải quyết được các vấn đề trên mà còn đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của DN và tăng nguồn thu của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn giải quyết các vấn đề của xã hội, vì vậy, đề xuất cơ chế quản lý đất đai như đã nêu không thể thiếu đối với các dịch vụ công", ông Kosuke Iimura chia sẻ.
ÔngKosuke Iimura cũng nhấn mạnh: "Cần phải thực hiện công khai thông tin đất đai là nền tảng để bước vào kỷ nguyên CĐS bằng cách là xây dựng cơ sở đăng ký các thông tin cơ bản và xây dựng hệ thống sinh thái mà người dân, DN có thể tiếp cận được các thông tin đó để nâng cao chỉ số GDP, phát triển kinh tế - xã hội"./.