Viettel Cloud và khát vọng làm chủ hạ tầng số của người Việt

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 06:06, 19/10/2022

Lễ ra mắt của Viettel Cloud - hệ sinh thái điện toán đám mây (ĐTĐM) do người Việt Nam làm chủ - là một cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại, đồng thời là bước tiến quan trọng trong cuộc cạnh tranh với những "gã khổng lồ" công nghệ ngay trên sân nhà.

Khát vọng làm chủ hạ tầng số

Trong 10 năm trở lại đây, Tập đoàn Viettel được ghi nhận là DN viễn thông số 1 tại Việt Nam với thị phần thuê bao, quy mô vùng phủ và hạ tầng kết nối lớn nhất. Từ lĩnh vực viễn thông, Viettel bắt đầu vươn xa hơn với khát vọng được làm chủ công nghệ mới như an toàn an ninh mạng, nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao và có thể làm được công nghiệp quốc phòng. Đây là tiền đề để thực hiện sứ mệnh "Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số" của Viettel.

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030, để có thể kiến tạo xã hội số bao trùm lên mọi hoạt động của con người, với cốt lõi là công nghệ số Viettel xác định bước đầu tiên là phải kiến tạo hạ tầng số. 10 năm trước, hạ tầng viễn thông truyền thống là cái thiết yếu cho xã hội thì tại thời điểm bây giờ hạ tầng số là thiết yếu cho xã hội số và trong đó ĐTĐM là hạ tầng chính của hạ tầng số, là yếu tố quyết định cho việc dữ liệu của Việt Nam có được lưu trữ và xử lý tại lãnh thổ Việt Nam, khẳng định quan điểm về chủ quyền và dữ liệu của người dân Việt Nam.

Từ năm 2018, Viettel bắt đầu nghiên cứu và triển khai hạ tầng ĐTĐM nội bộ dựa trên các công nghệ mở. Đến năm 2020, quy mô và hạ tầng ĐTĐM nội bộ này đã vươn lên con số gần 1 triệu CPU, với hơn 80% hạ tầng dịch vụ CNTT truyền thống được cắt chuyển và hiện đại hóa hoàn toàn nhờ các công nghệ ĐTĐM.

Viettel hiện sở hữu gần 500 kỹ sư nghiên cứu, vận hành khai thác ĐTĐM tại Việt Nam có trình độ ngang tầm thế giới về công nghệ ĐTĐM, bảo mật trên không gian mạng. Tên của Viettel được ghi danh trên bản đồ công nghệ của các tổ chức ĐTĐM nguồn mở lớn nhất thế giới.

Chia sẻ về hệ sinh thái ĐTĐM mà Viettel mới ra mắt, Giám đốc công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết, hiện 80% thị phần thị trường ĐTĐM tại Việt Nam nằm trong tay các DN công nghệ nước ngoài. Việc làm chủ hệ sinh thái ĐTĐM là cơ hội để cho các DN Việt Nam sử dụng hạ tầng số trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số.

Viettel Cloud và khát vọng làm chủ hạ tầng số của người Việt - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Hiếu, Giám đốc công nghệ Viettel Cloud

"Bắt đầu từ con số 0, với khát vọng xây lên một hạ tầng ĐTĐM lớn nhất Việt Nam, hoàn toàn tuân theo các tiêu chuẩn mở trên thế giới, không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các kỹ sư của Viettel còn song hành triển khai nghiên cứu, đóng góp những thiết kế và mã nguồn của mình lên công nghệ lõi của ĐTĐM. Kế thừa những kết quả thực tế trên và tự tin rằng Viettel có năng lực có thể xây dựng và làm chủ một hạ tầng số không chỉ cho người Viettel mà cho cả Việt Nam", ông Lê Quang Hiếu nhấn mạnh.

Từ sứ mệnh của Tập đoàn, cùng với tầm nhìn chiến lược của bộ, ban ngành, Chính phủ nhằm đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng, ngày 14/10, Viettel đã chính thức cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud.

Viettel Cloud - hệ sinh thái ĐTĐM lớn nhất do người Việt Nam làm chủ

Trên thực tế, các dịch vụ ĐTĐM không phải sản phẩm mới của Viettel. Xét về bản chất, các đơn vị, tổng công ty của Viettel đã triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ dựa trên ĐTĐM từ những năm 2017-2018. Tuy nhiên, đó chỉ là các sản phẩm sử dụng nội bộ, phục vụ nhu cầu riêng của từng đơn vị. Theo đó, dịch vụ ĐTĐM của Viettel Telecom dành cho khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình, khách hàng nhỏ. Viettel Solutions dành cho khách hàng là DN lớn, các cơ quan quản lý. Dịch vụ của Viettel Post là giao vận, còn Viettel Cyber Sercurity thì chuyên hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh mạng.

Theo ông Lê Quang Hiếu, hệ sinh thái Viettel Cloud ra đời với mục đích hợp nhất tất cả các dịch vụ mà Viettel đã có thành công, đã được kế thừa với khát khao trở thành hạ tầng số trước là cho Viettel và sau là cho Việt Nam với khát vọng đến năm 2025 sánh ngang các nhà cung cấp ĐTĐM quốc tế, đồng thời dịch chuyển các nhu cầu về hạ tầng và dữ liệu về Việt Nam, của Việt Nam và cho Việt Nam.

Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (TTDL), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên đám mây cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành. Các ứng dụng và dịch vụ này đều được "may đo" theo nhu cầu của chính các khách hàng Việt.

Bản thân ông Hiếu cũng cho rằng hệ sinh thái ĐTĐM của Viettel vẫn còn khoảng cách so với công nghệ mà các gã khổng lồ toàn cầu cung cấp. Tuy nhiên, Viettel Cloud cũng có những lợi thế đặc biệt, là hệ sinh thái ra đời từ sự hội tụ và kế thừa 6 thành công mà Viettel đã được xã hội ghi nhận. Đầu tiên, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng TTDL lớn và hiện đại nhất Việt Nam với 13 TTDL, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. 

Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với 33 TTDL và quy mô 34.000 rack.

Viettel Cloud và khát vọng làm chủ hạ tầng số của người Việt - Ảnh 2.

Phối cảnh TTDL của Viettel tại Hoà Lạc

Thứ hai là sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất Đông Dương, 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng lớn nhất Việt Nam và hơn 500.000 km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh/thành phố.

Thứ ba, Viettel Cloud có công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện kế toán công chứng Mỹ. Đặc biệt, Viettel là DN hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.

Thứ tư, Viettel Cloud sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về ĐTĐM tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng với gần 1000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin. Đội ngũ đã có kinh nghiệm triển khai và vận hành khai thác hệ thống viễn thông và CNTT ở mức toàn cầu, tại 10 quốc gia trên thế giới cùng các quy trình vận hành chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Viettel Cloud cam kết dịch vụ sẵn sàng hoạt động ở mức tối thiểu 99,99%.

Thứ năm là khả năng áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất; hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.

Thứ sáu, hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud đa dạng và quy mô lớn, với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như nền tảng trí tuệ nhân tạo và nền tảng Internet vạn vật.

"Viettel Cloud cam kết đồng hành cùng các tổ chức, DN, cá nhân để xây dựng nên một nền tảng kết nối DN và cộng đồng có quy mô, chất lượng dịch vụ, giá thành hợp lý và cam kết đầu tư lớn lâu dài cả về hạ tầng, nền tảng và sản phẩm dịch vụ", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết./.

Ngọc Diệp