Nền tảng Việt đứng sau sự tăng trưởng doanh thu, người dùng của các ngân hàng, sàn TMĐT ở Việt Nam

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 07:35, 10/10/2022

Giúp ngân hàng MB thu hút 2,5 triệu người dùng eKYC thật trong vòng 6 tháng hay hỗ trợ Shopee trong giành lại thị phần từ Lazada thông qua những mô hình tiếp thị liên kết mới…, đó chỉ là 2 trong số nhiều thành công sau 7 năm thành lập nền tảng Accesstrade.

Nhưng thời gian đầu, nền tảng này đã phải bắt tay với những doanh nghiệp (DN) ngoại để có được những bài học thành công đầu tiên thuyết phục khách hàng trong nước khi họ đã quen với Google, Facebook.

Ra đời đề giải quyết bài toán tăng trưởng doanh số online cho các DN

Cuối năm 2021, nền tảng Accesstrade đã lần đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng MMA Silver Smarties™ Award 2021 cho hạng mục chiến dịch Mobile app marketing xuất sắc nhất với chiến dịch MB Bank. Kết quả này có được sau khi Accesstrade Việt Nam giải bài toán tăng trưởng mà MB Bank đặt ra khi ra mắt ứng dụng MB Bank, đó là đó là thu hút 2,5 triệu người dùng eKYC thật trong vòng 6 tháng.

Để rồi, tháng 6/2020 chiến dịch hợp tác MB Bank và Accesstrade đã mang về lượng người dùng mới trên iOS tăng đến 2300% và Android tăng 200%, tỷ lệ quay lại sử dụng áp sau khi đăng ký lên đến 72%, lượng người dùng mới tăng hơn 10.000 người mỗi ngày, số giao dịch mới tăng 72%, lượng khách hàng trung thành tăng 65%. Với sự bứt phá thành công từ chiến dịch, MB Bank đã trở thành nguồn cảm hứng để chuyển đổi số cho nhiều ngân hàng và DN tại Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại điện tử (TMĐT) cũng là một trong những lĩnh vực ghi nhận rất nhiều dấu ấn của Accesstrade thông qua nền tảng Affiliate (tiếp thị liên kết), trong bối cảnh thống kê của Rakuten Marketing and Forrester Research cho thấy, 70% người dùng tin vào các đánh giá, lời khuyên từ những chuyên gia, người có sức ảnh hưởng. Cụ thể, nền tảng Fado đã sử dụng tiếp thị liên kết để đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới.

Bắt đầu hợp tác từ năm 2017, hệ thống Accesstrade đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực từ chiến dịch với sàn TMĐT Fado: Số lượng Publisher tham gia tăng đến 276 lần, cho thấy độ phủ thương hiệu của Fado ngày càng được lan rộng; Tháng 2/2019, thời điểm Tết Nguyên Đán, doanh số bùng nổ, đơn hàng tăng gấp 330 lần so với thời gian ban đầu ra mắt chiến dịch; Đầu năm 2020, số lượng đơn hàng dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng từ tháng 4/2020 trở đi, lượng đơn hàng bắt đầu trở về có dấu hiệu hồi phục trở lại, tăng 163,5 lần so với thời gian đầu.

Không chỉ với Fado, các nền tảng TMĐT khác cũng hưởng lợi rất lớn từ việc sử dụng nền tảng tiếp thị liên kết của ACCESSTRADE, khi mà thống kê của Accesstrade cho thấy, 5 chiến dịch tiếp thị liên kết có doanh thu cao nhất 2021 thuộc về Shopee, Tiki và Lazada. Trong đó, chỉ riêng Shopee đã có doanh thu 65 tỷ, sau đó lần lượt là Lazada (35 tỷ) và Tiki (23 tỷ).

Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade cho biết, Accesstrade ra đời để giải bài toán tăng trưởng doanh số bán hàng cho DN. Nếu như ở môi trường ngoài thực tế có các công ty phân phối thì trên môi trường online, tại thời điểm những năm 2015, khi Accesstrade ra đời chưa có những giải pháp tương tự, giúp DN có thể tăng trưởng sâu thông qua các giải pháp marketing. Khác với những công ty trên thị trường, có đội ngũ làm marketing riêng biệt, Accesstrade được xây dựng theo hướng nền tảng giống như Grab, kết nối khoảng 1,5 triệu cộng tác viên (CTV) bán hàng trực tuyến.

"Nền tảng này cho phép quá trình mua bán, marketing từ các nhãn hàng như Lazada, Shopee… với đội ngũ CTV bán hàng diễn ra hoàn toàn trên môi trường trực tuyến. Từ đó, Accesstrade sẽ ghi nhận các đơn hàng mà CTV thực hiện như giới thiệu được khách hàng, bán hàng… và trả hoa hồng tương ứng”, ông Hưng chia sẻ thêm.

Nền tảng Việt đứng sau sự tăng trưởng doanh thu, người dùng của các ngân hàng, sàn TMĐT ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade. (Ảnh: Internet)

Khi ra mắt sản phẩm, theo ông Hưng, Accesstrade gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Trong đó, thuận lợi lớn nhất là “thiên thời”, khi mà vào thời điểm 2015, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kì kinh tế số, với sự phát triển và bùng nổ của các dịch vụ TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki hay gần đây là ngành du lịch trực tuyến, Fintech... Thuận lợi thứ hai là yếu tố “nhân hòa” khi chính phủ và nhất là người dân luôn cởi mở với những dịch vụ trực tuyến, ai cũng muốn tìm kiếm chỗ đứng của mình trong thế giới online.

Còn khó khăn chủ yếu đến từ việc chưa ai định nghĩa được những thứ mà Accesstrade đang làm như dịch vụ tiếp thị liên kết, và làm thế nào để thị trường đón nhận, tạo được sự tin cậy về chất lượng dịch vụ. Khó khăn tiếp theo là mất thời gian để thuyết phục khách hàng, những người làm marketing khi họ đã quen với Google, Facebook và chưa thực sự tin tưởng một nền tảng mới ra đời như Accesstrade. “Cuối cùng là kỹ năng bán hàng của các CTV còn hạn chế, chúng tôi đã phải tổ chức nhiều buổi đào tạo. Mặc dù vất vả trong vài năm đầu nhưng đến nay thị trường đón nhận và mọi người quen với mô hình mà Accesstrade đang làm”, ông Hưng cho biết thêm.

Giải được những bài toán mà DN nước ngoài “bó tay”

Mặc dù vậy, theo ông Hưng, khi mới ra đời, Accestrade không gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục khách hàng nước ngoài sử dụng, bởi vì bài toán công ty xây dựng để tăng trưởng doanh thu, theo mô hình “ăn chắc mặc bền” nên DN sẵn sàng để thử nghiệm. Vấn đề chủ yếu là làm thế nào để chứng minh hiệu quả như cam kết.

Về những kết quả đã đạt được, theo ông Hưng, hiện tại Accesstrade đang có hơn 1.000 khách hàng, bao gồm hầu hết các DN nằm trong top đầu của Việt Nam như Thế giới di động, Unilever, Massan... cùng hơn 1,5 triệu CTV bán hàng (publicser). Qua đó, mỗi tháng Accestrade giúp DN bán được từ 3-5 triệu đơn hàng. Còn đứng ở góc độ xã hội, công ty đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người và trả lương 10.000 nhân sự mỗi tháng.

Ngoài ra, Accesstrade cũng là đơn vị đứng sau hỗ trợ trong việc phát triển của các trang TMĐT ở Việt Nam như Tiki, Lazada và nhất là Shopee. Cụ thể, tại thời điểm Shopee vào Việt Nam, Lazada gần như đã thống trị thị trường. Mặc dù sản phẩm mới nhưng Shopee đã rất lắng nghe những đề xuất và kiến nghị của Accesstrade về những mô hình mới như KOC (Key Opinion Customers – những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn). Cuối cùng, mặc dù đã nghiên cứu và đề xuất với nhiều DN về mô hình KOC nhưng Shopee vẫn là đơn vị triển khai thành công nhất và mang nó đi triển khai ở khu vực Đông Nam Á.

Hay trường hợp của ngân hàng, trước đây đã từng hợp tác với những DN nước ngoài nhưng thất bại, vì 90% khách hàng gỡ ứng dụng trong vòng 90 ngày. Để rồi, sau khi bắt tay với Accesstrade, ngân hàng đó đã có hàng triệu người dùng mới và trong đó rất nhiều khách hàng đã tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Khi được hỏi về việc cạnh tranh trên thị trường, ông Hưng khẳng định, mặc dù Accesstrade có nhiều văn phòng ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan… nhưng không nơi nào có nhiều đối thủ như ở Việt Nam, kể cả đối thủ trong nước và quốc tế, khi mà có những thời điểm có đến 20-30 đơn vị cạnh tranh.

So với những công ty nước ngoài, do mô hình liên kết trên thế giới đã làm rất thành công từ cách đây hơn 20 năm khi CEO Jeff Bezos đã áp dụng nó với Amazon, trong khi Accesstrade là một công ty do người Việt làm chủ, có sự tham gia rất sớm của các chuyên gia nước ngoài, nhưng mới chỉ ra đời từ năm 2015. “Đây là một lợi thế rất lớn của các DN nước ngoài và chúng tôi phải học hỏi rất nhiều từ họ”, ông Hưng chia sẻ.

Còn ưu điểm của Accesstrade đến từ việc Việt Nam là một thị trường rất đặc thù, nên ngay cả những công ty TMĐT lớn, đã thành công ở những nước khác như Lazada, Shopee cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia. “Accesstrade cũng sở hữu những người trẻ rất giỏi và công nghệ không kém so với bất kì đối thủ nào trong khu vực Đông Nam Á”, ông Hưng nói.

Các DN vừa và nhỏ là những người tạo ra xu hướng mới trong quảng cáo trực tuyến

Đối với thị trường quảng cáo trực tuyến, theo ông Hưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021, tổng chi tiêu của thị trường chỉ tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021- quý 1/2022, thị trường đã hồi phục khoảng 75% so với thời điểm trước dịch bệnh. Còn từ thời điểm tháng 6/2022 cho đến hiện tại, thị trường đã có sự hồi phục lại như giai đoạn trước năm 2020, và sau đó sẽ tăng trưởng 30 - 40%/năm.

Về sự thay đổi của thị trường, ông Hưng cho biết, quảng cáo đại chúng thông qua báo, tivi hình thành từ những năm 1950. Với mô hình này, DN chọn khách hàng điển hình để từ đó gửi những thông điệp giống nhau bằng hình ảnh. Nhưng nhược điểm là người tiêu dùng không có quyền lựa chọn những sản phẩm phù hợp với cá tính, mong muốn của mình. Còn trên môi trường trực tuyến, các DN sẽ biết được chính xác những mong muốn của người dùng. Chính vì vậy, đối với các DN hiện nay, việc chi tiền quảng cáo cho tivi chỉ có lợi thế về nhận diện thương hiệu nhưng không đo đếm được hiệu quả bán hàng giống như với quảng cáo trực tuyến. 

“Sự thay đổi trong lĩnh vực quảng cáo diễn ra liên tục và mang tính quy luật. Vì vậy, đòi hỏi những đơn vị lớn phải có sự chuyển đổi, như VTV cũng đã xuất hiện trên mạng xã hội Tiktok”, ông Hưng nói.

Đồng thời, cách làm marketing của DN cũng phải có sự thay đổi, đó sẽ là cơ hội cho các DN vừa và nhỏ (SME). Bởi vì, người tạo ra sự thay đổi và đi đầu trong các xu hướng quảng cáo trực tuyến mới từ Instagram, sàn TMĐT, Tiktok… là những DN SME, do không thể cạnh tranh với những đơn vị lớn về tiềm lực tài chính nên họ buộc phải liên tục nghĩ ra những phương thức marketing, quảng cáo mới, để sao cho tiết kiệm chi phí mà vẫn đem lại những hiệu quả lớn trong kinh doanh.

Những xu hướng quảng cáo hiện nay, theo ông Hưng, nếu như trước đây, DN thường tạo trang web, ứng dụng để bán hàng thì hiện nay, họ có xu hướng lấy luôn các gian hàng trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada... để chạy quảng cáo. Hay trước đây, các đơn vị thường sử dụng những người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm (KOL) thì hiện nay đang chứng kiến xu hướng mới từ những người tiêu dùng có kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng (KOC).

Nói về nguyên nhân của sự thay đổi này, ông Hưng cho rằng, COVID-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn, chỉ những ai có sự chuẩn bị kĩ và bắt kịp thời đại mới có sự tăng trưởng tốt trong 2 năm dịch bệnh. Còn các đơn vị khác, hầu hết chỉ khi dịch bệnh xảy ra mới thay đổi công nghệ, nhân lực và cách vận hành. 

“Nó giống như một cơn bão, những cây nào yếu thì sẽ đổ gãy, còn cây nào có gốc mạnh mẽ thì sẽ tồn tại và vươn lên sau đó. Có khoảng 70-80% DN SME là những cây nhỏ, gốc không vững nên không thể tồn tại được. Chính vì vậy, sau cơn bão, chính những DN SME lại là những loại cây với mô hình mới, thích nghi với những thay đổi mới, dẫn đến sự thay đổi của toàn thị trường”, ông Hưng dẫn chứng.

Đối với các quy định hiện nay, với Accesstrade, ông Hưng cho rằng không có nhiều vướng mắc vì để tồn tại lâu dài, DN cần am hiểu luật pháp và liên tục thích nghi, để điều chỉnh với thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết rất kì vọng vào những quy định mới sắp tới liên quan đến sandbox - môi trường để thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ công nghệ số mới cùng những chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, thủ tục đối với startup. Tiếp theo là sẽ có những quy định mang tính chặt chẽ hơn, tạo điều kiện để các giao dịch đều được thực hiện trên môi trường số, giúp tiết kiệm văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Thế Phương