Nền tảng công dân số giúp Đà Nẵng cung cấp DVCTT hiệu quả
Chính phủ số - Ngày đăng : 20:27, 18/10/2022
Hướng đến hình thành công dân số
Sau một thời gian triển khai thí điểm, ngày 12/9/2022, TP Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng nền tảng công dân số (My Portal). Nền tảng này có phiên bản web tại địa chỉ: https://congdanso.danang. gov. vn/; https://myportal.danang.gov.vn và đã được tích hợp trên ứng dụng DaNang Smart City.
Nền tảng công dân số của TP Đà Nẵng là nơi thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ/dữ liệu số, lịch sử các giao dịch gắn với định danh duy nhất) và tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp (DN) để người dân sử dụng dịch vụ công dễ dàng, thuận lợi (thông qua việc kế thừa lại thông tin/dữ liệu trước đó, sử dụng dịch vụ qua mạng hoàn toàn theo hướng cá nhân hoá), đồng thời, người dân cũng được tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình.
Hiện tại, nền tảng công dân số Đà Nẵng cung cấp một số tính năng cho người dân, bao gồm: (i) Đăng ký tài khoản công dân số; (ii) Dịch vụ, tiện ích của các cơ quan chính quyền như: thực hiện DVCTT; khảo sát/đánh giá mức độ hài lòng; góp ý/phản ánh; đăng ký lịch, hẹn giờ khám chữa bệnh/giao dịch hồ sơ hành chính; (iii) Dịch vụ, tiện ích từ DN như: tra cứu thông tin điện, nước; tra cứu thông tin sức khỏe, giáo dục, thuế, bảo hiểm xã hội; (iv) Quản lý hồ sơ công dân số như: kho dữ liệu số; lịch sử giao dịch hồ sơ.
Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng ''Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022)'', UBND TP. Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh tại hạng mục "Cơ quan Nhà nước CĐS xuất sắc" với nền tảng công dân số TP Đà Nẵng.
Việc hình thành nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào hình thành xã hội số, đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp CĐS được cơ quan Nhà nước cung cấp. Bên cạnh đó, nền tảng này sẽ là một phần giúp thúc đẩy quá trình hình thành công dân số - một hợp phần quan trọng của lĩnh vực xã hội số, kinh tế số và Chính quyến số TP Đà Nẵng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp DVCTT
Để sử dụng, người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng DaNang Smart City hoặc truy cập vào địa chỉ website:https://onelink.to/danangsmartcitytrên thiết bị di động, sau đó đăng ký tài khoản công dân số.
Sau khi tạo tài khoản, mỗi người dân có 01 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia, đại diện cho các thông tin được mã hóa, để người dân sử dụng trong các giao dịch dịch vụ công trực tuyến. Thông tin của người dân sẽ được bảo mật theo mô hình 04 lớp do Bộ TT&TT quy định, xác thực đăng nhập sử dụng qua giải pháp bảo mật OTP, giúp người dân yên tâm về việc quản lý dữ liệu công dân điện tử của mình.
Để thúc đẩy quá trình hình thành công dân số nhằm phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, TP Đà Nẵng đã áp dụng triển khai theo 02 nhóm. Với cơ quan, tổ chức, TP đề nghị các cơ quan, tổ chức, các phường, xã yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của mình sử dụng nền tảng công dân số để đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu hồ sơ công dân số cho bản thân và các thành viên gia đình.
Với người dân, DN, TP đề nghị UBND quận, huyện, phường, xã tập trung triển khai, đặc biệt thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ từ người dân trên địa bàn đăng ký mới hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu hồ sơ công dân số và sử dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Hằng tháng, các cơ quan thống kê kết quả để cung cấp, báo cáo Ban Chỉ đạo CĐS thành phố.
Tính đến ngày 27/9/2022, nền tảng công dân số My Portal đã có hơn 242.732 tài khoản công dân số, 4.886 tài khoản sử dụng dịch vụ, tiện ích và cung cấp 1.837 DVCTT, 25 tiện ích, 321 thông báo cho người dân sử dụng.
TP Đà Nẵng cũng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CĐS và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Về triển khai DVCTT, TP Đà Nẵng hiện đang cung cấp 1.745 DVCTT mức độ 4, đạt 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4; tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 82%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 62%.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: "Hiện Sở TT&TT đang đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 4 và sử dụng hóa đơn, phiếu thu điện tử trong thu phí, lệ phí, tăng cường sử dụng chữ ký số trong xử lý văn bản và kết quả thủ tục hành chính".
Với việc triển khai chính thức nền tảng công dân số, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên thiết lập các kho dữ liệu riêng cho từng người dân. Các loại dữ liệu số được người dân cập nhật và lưu trữ trên Hệ thống gồm giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy khai sinh,... và các giấy tờ thành phần hồ sơ khi người dân nộp thủ tục dịch vụ công và kết quả giải quyết dịch vụ công. Khi sử dụng DVCTT, người dân không phải khai báo lại, hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu. Việc này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp DVCTT phục vụ người dân; hướng đến hình thành công dân số, phát triển xã hội số tại thành phố Đà Nẵng
Trong thời gian tới, Sở TT&TT TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức lồng ghép các nội dung giới thiệu, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng công dân số My Portal vào hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hỗ trợ người dân đăng ký và sử dụng các nền tảng số thiết yếu./.