Phát triển Chính phủ số: Thời cơ và thách thức

Chính phủ số - Ngày đăng : 08:00, 13/10/2022

Chuyển đổi số (CĐS), phát triển Chính phủ số là xu thế không thể đảo ngược. Việt Nam đã quyết tâm phát triển Chính phủ số và đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Xu hướng phát triển Chính phủ số////

Trong 20 năm qua, hầu hết các nước trên thế giới đều đã tuyên bố và triển khai các chương trình phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT). Nhưng kể từ khi xuất hiện các công nghệ đột phá, được biết đến với tên gọi chung là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình chuyển đổi hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức lên môi trường số một cách toàn diện có cơ hội tăng tốc, bứt phá. 

Nhiều nước trên thế giới sớm nhận ra xu hướng này và đã có hành động cụ thể chuyển dịch sang phát triển Chính phủ số bằng cách tuyên bố chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển của quốc gia mình, điển hình như Singapore (tháng 6/2018), Úc (tháng 12/2018), Thái Lan (tháng 10/2019), Nhật Bản (tháng 12/2019), Indonesia (tháng 02/2020), Malaysia (tháng 02/2016), Brunei (tháng 3/2015),...

Các chiến lược của các quốc gia cơ bản đều có đặc điểm chung:

- Thời gian thực hiện là 05 năm hoặc ngắn hơn do ý thức được sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ, chiến lược của các nước đều nhấn mạnh đến khả năng thay đổi, thích ứng linh hoạt;

- Trong sự chuyển dịch từ CPĐT sang Chính phủ số, các nước đều nhấn mạnh đến vai trò của dữ liệu như là “dầu mỏ”, là “năng lượng” tạo động lực cho sự chuyển đổi và chú trọng phân tích dữ liệu và tận dụng hiệu quả các công nghệ số; Phân tích dữ liệu, dựa trên dữ liệu và công nghệ số để thiết kế, chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức vận hành và cung cấp dịch vụ theo hướng tối ưu, chất lượng hơn, ra quyết định linh hoạt, kịp thời hơn, tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, giải quyết những vấn đề lớn mang tính quốc gia để nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Xu hướng CĐS là xu hướng lớn, xảy ra trên bình diện thế giới, mang tính không thể đảo ngược, nhất là với bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, càng thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Quốc gia nào kịp thời nắm bắt, đi nhanh, đi trước sẽ thu được lợi ích lớn hơn, đi trước những quốc gia còn chần chừ. Vì vậy, việc phát triển Chính phủ số ở nước ta có tầm quan trọng đặc biệt, mang lại hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh tiến trình cải cách, dẫn dắt CĐS, kiến tạo phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để xây dựng đất nước phát triển, thịnh vượng.

Việt Nam trên đường phát triển Chính phủ số

Kết quả bước đầu

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển CPĐT, Chính phủ số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), năng lực cạnh tranh của quốc gia. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xác định những mục tiêu, nội dung phát triển CPĐT, Chính phủ số gần đây nhất là Nghị quyết số 17/NQ- CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và gần đây là Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Phát triển Chính phủ số: Thời cơ và thách thức - Ảnh 1.

Thực hiện những Chương trình, Nghị quyết trên, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai CPĐT, Chính phủ số và đã đem lại những kết quả tích cực như sau: 

- Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cơ quan nhà nước cũng như của người dân. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Tính đến cuối tháng tháng 3/2022, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.

- Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, về đăng ký DN, về bảo hiểm, về hộ tịch hoàn thành, từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 18/8/2022, hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 49 triệu người tham gia. 

Tính đến ngày 21/8/2022, Hệ thống CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc đã có 30.397.109 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.612.566 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 6.520.606 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.354.459 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.662.672 dữ liệu khác.

- Việc trao đổi văn bản điện tử đã đi vào nền nếp. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong tháng 8/2022 là 690.109 văn bản (Gửi: 145.560 văn bản, nhận 544.549 văn bản). Từ khi khai trương (12/3/2019) đến cuối tháng 8/2022, Hệ thống có tổng số hơn 13,7 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

- Nhiều dịch vụ công (DVC) đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tính đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ DVC trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 được cung cấp đạt trên 70% so với tổng số thủ tục hành chính. 

Phát triển Chính phủ số: Thời cơ và thách thức - Ảnh 2.

Biểu đồ kết quả cung cấp DVCTT và tỉ lệ hồ sơ trực tuyến

 - Xếp hạng quốc gia về CPĐT được cải thiện; nhận thức về CĐS được nâng cao, thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19. Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc trong 193 quốc gia từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá CĐS của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 (DTI 2021), Chuyển đổi nhận thức, Kiến tạo thể chế và phát triển Hạ tầng số tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực. Chỉ số nhận thức cấp bộ (0,7236) tỉnh (0,6281) đều cao hơn mức trung bình (0,5).

Thách thức ở phía trước 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phát triển Chính phủ số, tuy nhiên, mức độ CĐS, phát triển Chính phủ số của Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá. Vẫn tồn tại nhiều hạn chế lớn như tỷ lệ DVCTT mức độ 4 và tỷ lệ hồ sơ điện tử còn thấp; các CSDL quốc gia, hệ thống nền tảng Chính phủ số chậm được triển khai; an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức; việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, các hệ thống thông tin phân mảnh, trùng lặp, cát cứ dữ liệu. 

Mặt khác, thực tiễn thời gian qua cũng bộc lộ nhiều tồn tại trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong CĐS quốc gia như: (i) Hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; (ii) việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) còn hạn chế; (iii) tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp; (iv) hoạt động của CQNN vẫn còn nhiều công đoạn thủ công, dựa trên giấy tờ theo cách truyền thống; (v) xếp hạng quốc gia về CPĐT tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực; (vi) CĐS chưa có nhiều kết quả đột phá.

Trong đó, một “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển CPĐT, Chính phủ số, thúc đẩy CĐS là vấn đề chia sẻ dữ liệu, nên người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực CĐS và kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT, Chính phủ số, CĐS vẫn là vấn đề thách thức cần giải quyết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trên là do trước đây công tác chỉ đạo triển khai được ban hành chủ yếu là kế hoạch triển khai CPĐT trong các giai đoạn, thiếu một bản chiến lược tổng thể để xác định tầm nhìn dài hạn và lộ trình triển khai liền mạch.

Phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển Chính phủ số tại Việt Nam Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.

BA MỨC ĐỘ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CÔNG NGHỆ SỐ VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

1- CPĐT. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ tập trung vào việc số hóa các nguồn tài nguyên, ứng dụng CNTT, tin học hóa quy trình nghiệp vụ đã có nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tập trung cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân và DN.

2- Chính phủ số. Đây là giai đoạn phát triển cao hơn của CPĐT, phản ánh mức độ trưởng thành hơn về CĐS trong Chính phủ. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, DN, tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu, trú trọng tới cung cấp thêm các dịch vụ mới, sáng tạo dựa trên nhu cầu của người dân, DN. Để tiến tới mức độ phát triển này, cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở. Hoạt động này cũng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. CPĐT chủ yếu sử dụng CNTT - truyền thông để tin học hóa quy trình nghiệp vụ, cung cấp DVCTT, Chính phủ số sử dụng dữ liệu số, công nghệ số (bao gồm CNTT - truyền thông và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật,...) để đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, thiết kế, tối ưu hóa vận hành của tổ chức, cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, hoạch định chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS và giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội của quốc gia.

3- Chính phủ thông minh. Ở mức độ phát triển này, Chính phủ kiến tạo sự phát triển bền vững, cung cấp các dịch vụ đổi mới, sáng tạo, có tính dự báo trước cho người dân và DN dựa trên các công nghệ số và mô hình cung cấp dịch vụ mới, được tối ưu hóa.

(Tổng hợp từ khung tham chiếu về các mức độ phát triển của một số tổ chức quốc tế (World Bank, OECD) và tổ chức tư vấn (Gartner))

Chiến lược đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 là: (i) Việt Nam có chỉ số phát triển CPĐT, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc; (ii) Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN và người dân, DN tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội; và (iii) Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. 

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, cần tập trung nguồn lực để thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia (hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, phát triển dữ liệu số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia và các hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia), 06 nhóm nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương và 10 giải pháp chủ yếu.

Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi cần tập trung triển khai như sau:

Một là, Hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật: Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử; Luật Lưu trữ theo hướng tạo thuận lợi phát triển Chính phủ số. 

Hai là, Tiếp tục phát triển, tối ưu hạ tầng, nền tảng: Phát triển Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp từ Trung ương đến cấp xã; Xây dựng nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia, Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho mọi dịch vụ CPĐT, Chính phủ số;

Ba là, Phát triển dữ liệu: Hoàn thiện các CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, DN, coi đây là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm; phát triển các dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội,...;

Bốn là, Phát triển, hoàn thiện các hệ thống nền tảng phục vụ người dân và hoạt động của cơ quan nhà nước: Phát triển, hoàn thiện Cổng DVC quốc gia; Xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia; Xây dựng Hệ thống họp trực tuyến, Hệ thống hỗ trợ làm việc từ xa; Xây dựng các hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ chính phủ số;

Năm là, Kiện toàn tổ chức và phát triển nguồn nhân lực: Kiện toàn, thiết lập mạng lưới chuyên trách từ Trung ương đến địa phương để phục vụ triển khai Chính phủ số và CĐS; đào tạo bồi dưỡng kiến trúc Chính phủ số, kỹ năng số trên môi trường số cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các CQNN; tổ chức tôn vinh các dịch vụ, sản phẩm Chính phủ số tốt nhất; nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ số; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ.

Sáu là, Bảo đảm nguồn lực, đo lường hiệu quả: Bảo đảm kinh phí hàng năm tối thiểu 1% ngân sách nhà nước tại các địa phương; xây dựng công cụ đo lường, giám sát tự động; đánh giá, đo lường hiệu quả các dự án đầu tư; thiết lập cơ chế điều hành, tổ chức thực thi mạnh từ trung ương đến địa phương.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, khi thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, sẽ tạo bước đột phá về phát triển CPĐT, Chính phủ số cho Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu CĐS quốc gia, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 (DTI 2021), tháng 8/2022.

2. Các Websites: www.worldbank.org, www.oecd.org, www. gartner.com, dti.gov.vn.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Kiên Hưng