IOC Thanh Hoá: "Mắt xích" quan trọng trong phát triển đô thị thông minh

Đô thị thông minh - Ngày đăng : 16:38, 12/10/2022

Triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa là một chủ trương quan trọng của tỉnh để thử nghiệm khả năng điều hành tập trung trên dữ liệu lớn, giúp quản trị và khơi thông dòng chảy dữ liệu của các cấp/ngành/địa phương nhằm phát huy hiệu quả chuyển đổi số (CĐS).

CĐS góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, ngày 10/11/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh CĐS trong các cơ quan Nhà nước (CQNN) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, Thanh Hóa đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong công tác CĐS. Nhiều chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình: Năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020).

Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các CQNN (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao… Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Với tinh thần "CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân", CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Những kết quả đạt được nêu trên là tiền đề để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tiến cao hơn nữa.

Phát triển chính quyền số và đô thị thông minh

Trong lộ trình CĐS, IOC được xem là "bộ não số" đóng một vai trò quan trọng và là giải pháp trọng tâm và là một "mắt xích" trong Chính quyền số và đô thị thông minh. Theo đó, mô hình thử nghiệm IOC Thanh Hóa đã được triển khai theo Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh và được chính thức khai trương thử nghiệm ngày 6/10 mới đây. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hưởng ứng ngày CĐS quốc gia năm 2022 tại Thanh Hóa góp phần thúc đẩy hoạt động CĐS trên địa bàn với kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

IOC Thanh Hoá:

Khai trương thử nghiệm IOC Thanh Hóa

IOC Thanh Hóa đặt tại tầng 5, Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh do Sở TT&TT chủ trì, các sở/ngành liên quan phối hợp và VNPT Thanh Hóa chịu trách nhiệm triển khai công nghệ, lắp đặt đã đảm bảo đủ điều kiện vận hành. Đây là nơi tích hợp, kết nối các nguồn thông tin, các cơ sở dữ liệu (CSDL); thực hiện việc thu thập, phân tích, xử lý, hiển thị trực quan và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành.

Công nghệ nền tảng VNPT IOC 2.0 thay thế cho phiên bản 1.0 được ứng dụng trên IOC Thanh Hóa đảm bảo sử dụng được tối đa các hệ thống thông tin, CSDL sẵn có của địa phương, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về đồng bộ kết nối; quản trị và khơi thông dòng chảy dữ liệu; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bền vững.

Trong giai đoạn thử nghiệm, IOC Thanh Hóa sẽ vận hành giám sát dữ liệu 9 chuyên ngành và lĩnh vực, bao gồm: Giám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan chính quyền; giám sát tương tác và phục vụ phản hồi của người dân; giám sát lĩnh vực y tế; giám sát lĩnh vực giáo dục và đào tạo; giám sát lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; giám sát lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giám sát lĩnh vực an toàn giao thông và an ninh trật tự; giám sát thông tin báo chí, mạng xã hội và truyền thông. Trong từng nhóm lĩnh vực thì phạm vi nội dung/số lượng chỉ số được lựa chọn thử nghiệm theo khả năng đáp ứng, quy mô của CSDL.

Chia sẻ về quá trình xây dựng IOC Thanh Hóa, ông Nguyễn Xuân Vĩnh - Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa cho biết: "Trong quá trình xây dựng IOC Thanh Hóa, chúng tôi đặc biệt quan tâm làm sao thiết lập được quy trình hệ thống trải nghiệm để có được dòng chảy dữ liệu. Điều đó mới quan trọng. Nó sẽ đảm bảo đúng tính chất Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh. Bên cạnh đó có những khó khăn tính sống của dữ liệu, độ dày dữ liệu. Khi độ dày dữ liệu không tốt sẽ khó có thể đáp ứng được khi áp dụng các bài toán công nghệ mang tính vượt trội như dự báo, cảnh báo. Đó là những khó khăn mà chúng tôi cần vượt qua. Chúng tôi rút ra được kinh nghiệm là phải gắn được với các sở, ngành, địa phương để họ cùng vào cuộc, nếu không mình sẽ thất bại".

Đặc biệt, IOC Thanh Hóa còn có phiên bản mobile giúp lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi, điều hành 9 lĩnh vực ngay trên điện thoại di động từ bất cứ đâu. Ngoài ra còn có hệ thống tin nhắn nhằm phục vụ lãnh đạo truy xuất, nhận cảnh báo, xử lý, điều hành qua điện thoại di động linh hoạt, thuận tiện. Đồng thời IOC Thanh Hóa còn được tích hợp trợ lý ảo vào một số lĩnh vực để hỗ trợ công cụ giám sát điều hành; bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích tương quan, dự báo xu hướng, cảnh báo rủi ro… ở một số nội dung, lĩnh vực nhằm thử nghiệm năng lực thông minh của hệ thống.

IOC tỉnh Thanh Hóa là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, của lãnh đạo tỉnh. Việc chính thức đưa IOC tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về CĐS, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số./.


TH