Tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:05, 09/10/2022
Nhân ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 10/10, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn với bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (DN), Bộ KH&ĐT, để tìm hiểu về các gói hỗ trợ DN CĐS.
Thưa bà, hưởng ứng ngày CĐS quốc gia 2022, Bộ KH&ĐT đã có những hoạt động nào nhằm hỗ trợ DN CĐS?
Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo về việc khuyến khích hỗ trợ DN khai thác tối đa các cơ hội, lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, CĐS nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
CĐS càng trở nên cấp thiết khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người; gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương thay đổi và thích ứng.
Thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngay từ đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025, giao Cục Phát triển DN là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội và các đối tác cùng triển khai thực hiện.
Chương trình được thiết kế với 04 mục tiêu chính, bao gồm: chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của DN; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; và hỗ trợ CĐS toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.
Xin bà cho biết các kết quả cụ thể của những hoạt động hỗ trợ DN CĐS của chương trình trong thời gian vừa qua?
Sau gần 02 năm thực hiện, Chương trình đã phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN triển khai nhiều hoạt động cụ thể với hàng triệu lượt tiếp cận thông tin về Chương trình và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu như:
Thứ nhất, Chương trình đã xây dựng Cổng thông tin về CĐS DN, là một bộ phận của Cổng thông tin Quốc gia về hỗ trợ DN, trên đó công bố Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng và nhiều tài liệu hướng dẫn CĐS nhằm cung cấp kiến thức nền tảng, các chỉ dẫn công nghệ và các hướng dẫn triển khai cho cộng đồng DN. Các công cụ, tài liệu này đã được công bố rộng rãi, truyền thông tới 63 địa phương và nhận được hơn 400.000 lượt tiếp cận, sử dụng các công cụ, tài liệu, tính năng của Cổng thông tin.
Thứ hai, Chương trình đã phối hợp các địa phương, hiệp hội tổ chức 31 hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo trực tiếp cho khoảng 6.500 DN tại 15 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nghệ An, Bình Dương, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, …
Thứ ba, triển khai Hệ thống đào tạo trực tuyến cho DN nhỏ và vừa (DNNVV): hơn 7.000 học viên và có khoảng 28.000 lượt truy cập, học tập.
Thứ tư, Chương trình đã cử các chuyên gia hỗ trợ chuyên sâu 1-1 cho hơn 100 DN để đồng hành, hỗ trợ thành các DN tiêu biểu CĐS thành công như tư vấn xây dựng lộ trình CĐS, chuyển đổi, hoàn thiện quy trình, sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp CĐS
Thứ năm, Chương trình đã thiết lập Mạng lưới hơn 100 chuyên gia CĐS, tổ chức đào tạo để nâng cao chất lượng hệ sinh thái về hỗ trợ DN CĐS.
Các hoạt động trên được triển khai một cách có hệ thống, khoa học, đã tạo niềm tin, động lực, bài học kinh nghiệm tốt lan tỏa cho cộng đồng DN, góp phần giúp các DN tự tin, có hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai CĐS.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021-NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV để hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN CĐS. Theo đó, DNNVV sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ này mang tính vốn mồi để hỗ trợ DN tiếp cận tư vấn, các giải pháp CĐS thuận lợi hơn.
Hưởng ứng ngày CĐS Quốc gia 2022, trong tháng 10 này, Chương trình đã phối hợp với Dự án USAID LinkSME tăng cường thêm nhiều hoạt động như: tổ chức đào tạo, hướng dẫn triển khai và tư vấn trực tiếp cho các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa. Tính đến nay, Chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức trực tiếp cho các DN 15 tỉnh, thành phố. Đồng thời, chúng tôi cũng cử các đoàn chuyên gia trong Mạng lưới đến các DN ở nhiều địa phương trên toàn quốc để hỗ trợ trực tiếp từ tháng 9/2022 trong khuôn khổ Gói Hỗ trợ xây dựng Lộ trình CĐS cho DN. Các DN đã có các phản hồi tích cực và quan trọng hơn, các DN đã tin tưởng vào sự đồng hành của Đảng, Chính phủ trong công cuộc hỗ trợ thúc đẩy CĐS của cộng đồng DN.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa bà?
Khi ban hành Chương trình này, chúng tôi đã có một lộ trình và kế hoạch triển khai cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, năm vừa qua Chương trình đã xây dựng nhiều hoạt động mang tính nền tảng như xây dựng các công cụ, tài liệu, trong đó tập trung vào triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cho DN, vì đầu tiên, để CĐS thì DN cần chuyển đổi nhận thức.
Trong thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để tháo gỡ khó khăn, rào cản của DN khi CĐS. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ giải pháp để DN số hóa dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, CĐS từng phần rồi tiến tới CĐS tổng thể. Chính vì vậy, hiện nay Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các chuyên gia của Dự án USAID LinkSME rà soát, đánh giá và sàng lọc các giải pháp CĐS tại Việt Nam để cung cấp thông tin giải pháp, đồng hành cùng các nhà cung cấp giải pháp triển khai 3 gói hỗ trợ Bắt đầu CĐS (Start Digital) cho các DN mới bắt đầu, quy mô nhỏ, siêu nhỏ; gói Tăng tốc CĐS (Grow Digital) cho các DN đang tăng trưởng, quy mô vừa trở lên và gói CĐS hướng tới thị trường toàn cầu (Go Digital-Go Global) cho các DN có định hướng xuất khẩu.
Bà có thể chia sẻ những cảm nhận cá nhân của mình về tình hình CĐS và lời khuyên cho các DN trong thời gian tới?
Hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ các DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, kênh phân phối hay các nghiệp vụ quản trị. Trong gần 02 năm vừa qua, từ khi Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, định hướng về thúc đẩy CĐS trong DN, chúng tôi đã nhìn thấy sự chuyển biến tích cực từ cộng đồng DN. Các DN đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải CĐS, kết quả mà CĐS mang lại và bước đầu thực hiện CĐS tại DN của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung.
Tuy nhiên, từ nhận thức tới triển khai sẽ là cả một chặng đường và DN có thể gặp những khó khăn, thách thức. Nhưng tôi tin rằng, nếu các DN quyết tâm và chủ động thì các DN sẽ tận dụng được nhiều lợi thế như những thành tựu tiến bộ của công nghệ số, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để có thể CĐS một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí./.