Việt Nam cần tận dụng các lợi thế để đột phá phát triển kinh tế số
Tin tức - Ngày đăng : 20:38, 12/10/2022
Việt Nam có đặc trưng, cách tiếp cận riêng về phát triển kinh tế số
Nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế số. Chia sẻ tại toạ đàm, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT, cho biết trên thế giới đã có nhiều quốc gia ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số như Vương Quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ thì các chiến lược có sự tương đồng giữa các nước. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ, chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận riêng, tạo con đường cho Việt Nam phát triển kinh tế số.
Theo ông Hoàng Anh Tú, đặc trưng và cách tiếp cận riêng của Việt Nam chính là sự chuyển đổi từ kinh tế số chủ yếu dựa trên nền tảng ICT sang kinh tế số ngành. Đó là sự nhấn mạnh của các nền tảng Make in Viet Nam và sự điều chỉnh, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách, gỡ bỏ các rào cản để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế số.
Mặt khác, phát triển hạ tầng kinh tế số trong đó có hạ tầng băng rộng, Internet, đám mây, IoT cũng như đào tạo kỹ năng số cho người dân sẽ tạo ra thị trường kinh tế số năng động trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% GDP và 30% GDP vào năm 2030. Tiềm năng và thị trường kinh tế số của Việt Nam đủ cho cả doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước kinh doanh và phát triển.
Với cách tiếp cận riêng về phát triển kinh tế số của Việt Nam, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết DN công nghệ số có 8 sứ mệnh phát triển kinh tế số gồm: (1) Đóng góp cho thể chế qua những kinh nghiệm thực thế để thúc đẩy kinh tế số; (2) CĐS cho khách hàng; (3) Đi tắt đón đầu xây dựng hạ tầng số khi phổ cập băng thông rộng di động, trung tâm dữ liệu, hạ tầng Make in Viet Nam; (4) Nhanh chóng đưa ra các nền tảng số Việt Nam để giải bài toán Việt Nam; (5) Cùng với chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và mở từ đó các ngành có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (6) Phát triển hệ thống an toàn thông tin Make in Viet Nam; (7) Phát triển nhân lực; (8) Thúc đẩy thanh toán số.
Ngành công nghệ đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế số
Theo chia sẻ của ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, Việt Nam đã là trung tâm lớn của khu vực và thế giới về thiết kế, sản xuất thiết bị công nghệ. Ngành công nghệ đang đóng góp lớn cho lĩnh vực kinh tế số.
Qualcomm hiện tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Theo ông Thiều Phương Nam, để Việt Nam tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị công nghệ thế giới, việc thúc đẩy ĐMST là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), đưa được CĐS vào các ngành đóng góp phát triển kinh tế số Việt Nam thì xây dựng hạ tầng kết nối 5G rất quan trọng, là nền tảng giúp cho các DN Việt Nam ĐMST, CĐS. Đây cũng là mục tiêu của Qualcomm để hỗ trợ triển khai 5G tại Việt Nam thành công.
Ông Thiều Phương Nam cũng chia sẻ Qualcomm tích cực hỗ trợ các DN Make in Viet Nam thiết kế và sản xuất thiết bị công nghệ Make in Viet Nam khi Việt Nam muốn làm chủ công nghệ, thời đại số. Vừa qua, Qualcomm cũng mở rộng trung tâm R&D tại Hà Nội để không chỉ hỗ trợ cho Việt Nam mà cả các nước trong khu vực. Trung tâm có các công nghệ mới nhất, 5G để tạo điều kiện các DN Việt Nam thiết kế sản xuất sản phẩm công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, phần mềm, phần cứng và trợ cả kỹ sư Việt Nam.
Qualcommm cũng hỗ trợ xây dựng nguồn lực cho Việt Nam qua cuộc thi thử thách ĐMST Việt Nam để đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và lựa chọn những công ty công nghệ có ý tưởng tốt để hỗ trợ tài chính, thiết bị, hạ tầng giúp các đơn vị có sản phẩm đưa ra thị trường.
Hợp tác để cùng phát triển
Để phát triển kinh tế số, các chuyên gia nhận định phải thúc đẩy hợp tác số (digital partnership). Bà Annabel Lee, Giám đốc Chính sách Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của AWS cho biết khi các công ty đẩy mạnh tốc độ áp dụng điện toán đám mây thì đây là cơ hội hợp tác số cho Việt Nam.
Bà Annabel Lee cũng chia sẻ hiện nay có nhiều DN quan tâm đến Việt Nam. Với CĐS, sự cởi mở của Việt Nam, Việt Nam có thể phát triển kinh tế số mạnh mẽ bằng cách tạo niềm tin số, tham vấn DN, chủ động và có những chương trình đi tắt đón đầu phát triển kinh tế số.
Bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết kinh tế số là thị trường năng động nhất và Việt Nam đang có nền kinh tế số phát triển sôi động khi có dân số vàng. Internet của Việt Nam và ASEAN đang có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đầu tư Hoa Kỳ vào ASEAN đạt gần 340 tỷ USD, nhiều hơn cả đầu tư của Hoa Kỳ vào 4 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong tương lai. Theo đó, chính sách của Việt Nam phải có tính liên tục, ổn định, dễ đoán.
"Hội đồng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam và của Bộ TT&TT về kinh tế số. Việt Nam chiến thắng COVID là nhờ có những quyết sách nhanh chóng", bà Thuỳ cho hay.
Ông Hoàng Anh Tú cho biết Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ chính sách cho các hoạt động đột phá về công nghệ, tạo sự thuận lợi, đảm bảo cho các mô hình kinh doanh mới, đảm bảo sự an toàn, an ninh quốc gia của Việt Nam.
Cũng theo ông Hoàng Anh Tú, hiện nay, chúng ta đang ở trong nền kinh tế số là ở trong môi trường toàn cầu, các DN phải nắm bắt lợi thế này để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đi ra toàn cầu. Theo đó, câu chuyện là phải hợp tác số với các công ty đa quốc gia có mạng lưới, chuỗi cung ứng, khách hàng toàn cầu để đi cùng những người khổng lồ.
Về mặt thị trường, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với một thị trường lớn với 3,5 tỷ dân cho các DN Việt Nam, trong đó có các DN công nghệ số. Các DN trong nước hay ở nước khác đều có thể cung cấp dịch vụ số cho các khách hàng ngoài lãnh thổ. Đây là điều các DN công nghệ số Việt Nam cần nhìn nhận.
Nêu khía cạnh đóng góp của thương mại điện tử (TMĐT) vào kinh tế số, bà Vũ Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết TMĐT sẽ hướng tới sự phát triển bền vững hơn. "Khi TMĐT không còn xa lạ với người tiêu dùng nữa thì yêu cầu đòi hỏi của khách hàng sẽ cao hơn, nên DN TMĐT làm sao phải đáp ứng yêu cầu cao đó. Lazada hướng tới sự phát triển hệ sinh thái bền vững, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người bán và người mua hàng".
Bên cạnh đó, bà Tú cũng chia sẻ Lazada cũng nhận thức được tầm quan trọng của nhân lực TMĐT để phát triển ngành nên đã chung tay hợp tác với Hiệp hội TMĐT để thúc đẩy ra mắt mạng lưới các trường đại học đào tạo TMĐT để phát triển nhân lực cho ngành.
Theo ông Thiều Phương Nam, chia sẻ hợp tác trong CĐS tại Việt Nam là rất quan trọng. Qualcomm nhận thấy nhiều cơ hội từ hợp tác hơn có lẽ bởi vì mô hình kinh doanh của Qualcomm là đầu tư, phát minh, chia sẻ và hợp tác. Thành công của Qualcomm phụ thuộc vào thành công của các đối tác tại Việt Nam.
Trong 35 năm phát triển, ông Thiều Phương Nam cho biết Qualcomm đã đầu tư khoảng 75 tỷ USD, mở 140.000 sáng chế, theo đó, các đối tác Việt Nam thiết kế, sản xuất các sản phẩm Make in Viet Nam có thể khai thác các phát minh nhằm đưa các sản phẩm ra quốc tế. Để làm được việc này, hợp tác giữa các bên trong hệ sinh thái số rất quan trọng để Việt Nam tiến ra thế giới./.