Cần thêm các giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 20:01, 07/10/2022
Đó là những vấn đề về việc mất an toàn thông tin (ATTT), lộ lọt dữ liệu, bị tấn công mã độc… Vì điều này, sáng nay 7/10, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Tập đoàn Meta, Tổ chức CyberKid Vietnam với sự đồng hành của Bộ TT&TT khởi động sự kiện Safety Café Vietnam.
Cần thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp an toàn cho người dùng mạng
Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay Việt Nam là đất nước tỷ lệ người dùng Internet khá lớn (chiếm 73,2%, trong đó có khoảng 16,5% là trẻ em). Cùng với đó, với sự phát triển vượt bậc về các công nghệ tiên tiến, nhu cầu người dùng sử dụng Internet ngày một tăng cao, điều này sẽ không tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn như: Lừa đảo mạng, lột lọt thông tin cá nhân, nhiễm mã độc, các nội dung văn hóa độc hại…
Chính vì điều này những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số (CĐS). Trong một thời gian ngắn, công cuộc thực hiện nhiệm vụ CĐS đã lan tỏa sâu rộng đến mọi cấp, đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, hoạt động CĐS đã thu được những kết quả tích cực ở trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đây là một thành tựu quan trọng quy giá, và để có được những kết quả, sự chuyển biến trên là nhờ chúng ta đã làm tốt, hiệu quả việc thực hiện đảm bảo an toàn thông tin - nhất là coi trọng yếu tố con người và ngày một quan tâm, thường xuyên nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức, lao động có trình độ cao về công nghệ.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Phương Chi, để chúng ta muốn giữ, phát huy hơn nữa kết quả, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chung CĐS quốc gia, chúng ta không thể chủ quan, lơ là đối với công tác đảm bảo ATTT - vì đã có nhiều thống kê, báo cáo chỉ ra nguyên nhân chính chủ yếu của sự cố ATTT (chiếm 80%) là do con người, từ sự bất cẩn của người dùng mạng.
Do đó, sự kiện ngày hôm nay có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức người dùng trên không gian mạng, đồng thời, thể hiện sự chung tay, quyết tâm của các đơn vị tổ chức sự kiện trong việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 830/TTg-CP, ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".
Nhân sự kiện, Bộ TT&TT hoan nghênh sáng kiến phối hợp của Hiệp hội Internet Việt Nam, Tập đoàn Meta và tổ chức Bảo vệ trẻ em trên trên không gian mạng CyberKid Việt Nam đã tổ chức chương trình.
Bộ TT&TT tin tưởng, kỳ vọng chương trình có thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến từ các đại biểu, chuyên gia đóng góp - điều này cũng chính là góp phần hình thành nên các giải pháp bảo vệ mới trong môi trường an toàn mạng, ATTT. Bộ TT&TT kêu gọi tất cả các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người dân… hãy coi việc bảo vệ người dùng trên không gian mạng nói chung, bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng nói riêng là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
"Có như vậy, chúng ta và trẻ em mới được bảo vệ, phát triển trong một không gian mạng an toàn, lành mạng", bà Phạm Phương Chi nhấn mạnh.
Đánh giá cao các quan điểm chia sẻ, chỉ đạo của bà Phạm Phương Chi, bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách Công Việt Nam, Tập đoàn Meta nhấn mạnh thêm, sự kiện được tổ chức góp phần nhằm tạo ra một không gian trải nghiệm miễn phí giúp tất cả mọi người tìm hiểu về những biện pháp thiết thực, bảo vệ an toàn cho bản thân trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.
Đồng thời, sự kiện là sự gửi gắm những quyết tâm, cam kết của Tập đoàn Meta về vận dụng ưu thế của Internet và mạng xã hội để bảo vệ an toàn cho cộng đồng, sau thành công của một sáng kiến khác của chúng tôi tên là "Messenger Bot - Tình yêu và tự do" - đây là công cụ trực tuyến hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới qua Messenger lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam vào tháng 10/2021.
Meta cam kết, đồng hành cùng chương trình vì mục tiêu xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, phát huy tối đa những khía cạnh tích cực. Đồng thời, mong muốn tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, được phổ biến và thông thạo các biện pháp an toàn nhằm bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro không đáng có trên không gian mạng.
Các em có thể bị tổn thương bất cứu lúc nào mà người lớn không hay biết
Cũng tại buổi ra mắt sáng kiến Safety Café Vietnam, Hội thảo "Bảo vệ an toàn cho thanh thiếu niên trên không gian mạng" đã được tổ chức với sự tham gia thảo luận của các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đầu ngành về ATTT, an ninh mạng.
Chia sẻ về những kinh nghiệm để giúp nâng cao nhận thức về ATTT, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục ATTT (Bộ TT&TT) cho rằng, người lớn, các bậc cha mẹ, phụ huynh, thầy, cô giáo cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ những kiến thức về ATTT cho trẻ, nhất là những kỹ năng sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại… đảm bảo hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng.
Đặc biệt, các cấp học trong nhà trước cần thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các lớp học trang bị những kiến thức cơ bản về an toàn mạng cho học sinh. "Phải coi đây là những buổi học chính được lồng ghép, không thể thiếu trong chương trình môn học tin học trong nhà trường…" , bà Hoa lưu ý.
Nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, bà Hoa cho rằng, các sở TT&TT các địa phương cần thực hiện nghiêm túc triển khai các nội dung, yêu cầu của Quyết định số 830/TTg-CP, ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".
Về phía Bộ TT&TT, trong thời gian sớm sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá cụ thể chất lượng các giải pháp, nền tảng số bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tổ chức thêm nhiều buổi hội nghị, hội thảo để chia sẻ thêm các kiến thức, kỹ năng để nâng cao nhận thức cho trẻ em trên môi trường mạng.
Ở quan điểm khác, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIA, việc phổ biến những kiến thức, kỹ năng an toàn trực tuyến cho người dùng Internet, đặc biệt là thế hệ trẻ, là điều cần được ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Do vậy, sự kiện Safety Café Vietnam là một cách tiếp cận gần gũi, tích cực, để truyền tải tới người dân, đặc biệt là các bạn trẻ - thế hệ sinh ra và lớn lên trong môi trường công nghệ.
Đồng tình với các quan điểm trên, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chủ tịch CyberKid VietNam cho rằng để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng điều không kém phần quan trọng đó là cần phải nâng cao các kiến thức, nhận thức cơ bản về các mối nguy hại phổ biến hiện nay trên môi trường mạng.
"Khi các em gặp các sự cố về việc mất ATTT mạng thì quan trọng các em cần gặp sự giúp đỡ nào và từ ai giúp đỡ", bà Quỳnh lưu ý.
Bà Quỳnh còn chia sẻ thêm nhiều quan điểm giải pháp khác, nhưng kế tiếp bà mượn một câu nói tâm đắc "Trẻ em đi lang thang trên mạng là lang thang một mình, đi xuyên qua biên giới lãnh thổ mà không có ai đồng hành bảo vệ. Các em có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào mà người lớn không hay biết vì đó không phải là vết thương về mặt vật lý"./.