Cuốn sách viết về xứ sở huyền bí

Hội nhập - Ngày đăng : 20:57, 11/10/2022

Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran" là cuốn truyện đặc sắc do tiểu thuyết gia Assollant người Pháp viết về Ấn Độ - xứ sở huyền bí cách đây hơn hai thế kỷ nhưng đối với bạn đọc ngày nay vẫn còn rất nhiều điều mới lạ.

Cuốn sách kinh điển của nhiều thế hệ

Đọc sách, ta được dịp gặp lại những cái tên vốn đã rất quen thuộc trong Sử thi Ấn Độ: Rama, Sita, quỷ vương Ravana bởi tác giả người Pháp – Assollant, viết về xứ sở huyền bí này cách đây hơn hai thế kỷ. Cốt truyện cũng quen thuộc với dòng truyện phiêu lưu, anh hùng mà nhân vật chính Corcoran chính là hình mẫu lý tưởng: đẹp trai, tài giỏi, bản lĩnh hơn người, luôn đứng lên bảo vệ chính nghĩa, tiêu diệt kẻ bạo tàn, yêu tự do, dân chủ...

Tác phẩm sử dụng bộ tranh minh họa đầy đủ của họa sĩ Alphonse de Neuville trong ấn bản xuất bản lần đầu năm 1867. Chính những bức họa ấy đã góp phần làm hiển hiện một không gian kỳ bí và tăng kịch tính cho những trận chiến lên nhiều. 

"Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran" là cuốn sách thứ 9 trong dự án Tủ sách Đời người của Omega+. Tác phẩm được đánh giá là kinh điển trên toàn thế giới, mang đến nhiều bài học cuộc sống cho các thế hệ độc giả.

Xây dựng thành công nhân vật Corcoran với nhiều thông điệp ý nghĩa

Trong tác phẩm, Assollant đã xây dựng thành công nhân vật Corcoran, đẹp trai lại tài năng, dũng cảm nên cuốn hút, hấp dẫn phụ nữ. Chàng là người lịch thiệp với các quý ông nhưng dữ dội và không khoan nhượng với những kẻ tàn bạo. Chàng nói được 7 thứ tiếng và có thể dùng tay không uốn cong thanh sắt nặng khó ai làm được. 

Corcoran chính là mẫu người lý tưởng mà Assollant mơ ước. Chàng là người bản lĩnh, rất trọng nghĩa khí, biết khoan dung khi đối thủ hối cải nên đến đâu cũng được mọi người kính nể. Do đọc nhiều sách và đi nhiều nơi trên thế giới nên Corcoran có kiến thức sâu rộng, biết ứng dụng trong cuộc chiến chống xâm lược và trong hòa bình xây dựng đất nước.

Từ việc lên đường tìm cuốn Gouroukaramtaa – cuốn sách quý mà viện Lyon yêu cầu, thuyền trưởng Corcoran bước vào cuộc phiêu lưu đến với vương quốc kỳ bí phương Đông, gặp gỡ quận chúa Sita, giúp vua cha trừ quân phản bội và bọn đế quốc, trở thành phò mã, rồi lên ngôi vua cai trị vương quốc. Sau khi mang lại hòa bình cho xứ sở, Corcoran cũng không màng danh lợi mà trao quyền nhiếp chính cho một người Ấn Độ xứng đáng rồi lên khinh khí cầu, cùng nàng Sita quay về sống tại một hòn đảo tự do và xinh đẹp.

Rất dễ dàng nhận thấy Corcoran chính là một dạng nhân vật tư tưởng - nơi mà tác giả bộc lộ những quan điểm của mình về mọi mặt của cuộc sống: con người, chính trị, chiến tranh... Tác giả Assollant vốn là một người yêu tự do và phiêu lưu khắp chốn (châu Phi, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương…) nên trong cuộc hành trình của mình, thuyền trưởng Corcoran cũng hiển hiện đủ đầy những tính cách ấy. 

Không những vậy, Assollant còn là người thuộc thế hệ con cháu những nhà cách mạng chân chính nhất của nước Pháp cuối thế kỷ 18, vì vậy, ông mang tư tưởng dân chủ và công khai lên án chính sách xâm lược các nước nhược tiểu để làm thuộc địa. Không hề khó hiểu khi mà quân Anh hiện lên trong cuốn sách này đáng ghét và gây cười nhiều đến thế.

Với vốn sống dồi dào và kiến thức sâu rộng, Assollant đã làm sống động mối tình vượt bao khó khăn, trắc trở giữa quận chúa Sita xinh đẹp với chàng thuyền trưởng Corcoran tài ba. Không những vậy, tác giả còn cho ta thấy những con thú hoang dã như voi, hổ… khi sống bên nhau cũng có lúc xảy ra bất hòa, nhưng nhờ được nuôi dạy nên chúng đã hiệp sức sẵn sàng xả thân cứu chủ, giúp con người trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Alfred Assollant (20/3/1827 - 3/3/1866) là một thiểu thuyết gia người Pháp, là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết dành cho giới trẻ như Người hành khất bạo gan nhất, Người phiêu lưu, Hoa hồng của tình yêu… trong đó, nổi bật nhất là cuốn Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran.

Ông thuộc thế hệ con cháu những nhà cách mạng chân chính nhất của nước Pháp cuối thế kỷ XVIII và những quân nhân của năm thứ hai Cộng hòa 1793. Thái độ dân chủ và công khai chống chính sách xâm lược các nước nhược tiểu để làm thuộc địa của ông đã bị chế độ chuyên chế của Napoleon đệ tam phạt. Tờ báo do ông làm chủ bút bị đình chỉ... Nhiều quyển sách có giá trị của ông không được "Tự điển lớn" cuối thế kỷ XIX nhắc đến./.



PV