Chương trình OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới
Hội nhập - Ngày đăng : 13:40, 20/10/2022
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thông qua chương trình, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương sẽ được tạo điều kiện chú trọng phát triển. Đó cũng chính là trọng tâm của chương trình OCOP.
Năm 2022 được xác định là năm nền tảng quan trọng của chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Tính hiệu quả của chương trình sẽ đảm bảo thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ứng dụng công nghệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương
CNTT phát triển mạnh mẽ và xu hướng mua sắm trực tuyến cũng đã thúc đẩy các địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đây thực sự là một bước phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận của các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã. Các kênh thương mại điện tử có thể giúp các HTX giới thiệu sản phẩm ra thị trường một cách rộng rãi, đến nhiều khách hàng nhất. Những lợi thế này của thương mại điện tử sẽ hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế chung của địa phương và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đề ra.
Tại Thái Bình, lãnh đạo tỉnh luôn nỗ lực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, vì thế vừa qua Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022 đã diễn ra. Hội nghị được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức.
Hội nghị nhằm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh, không chỉ trên các kênh phân phối truyền thống, mà còn nhằm tăng cường xuất khẩu cũng như thúc đẩy thương mại điện tử cho các sản phẩm địa phương.
Không chỉ diễn ra trực tiếp, Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với 17 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố là những địa phương có thị trường tiêu thụ lớn, trung tâm du lịch sôi động của cả nước; và 4 điểm cầu tại nước ngoài gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Vì vậy, Hội nghị mang đến nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Theo Sở Công Thương tỉnh, Thái Bình hiện có 8.449 doanh nghiệp và 2.249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Sản phẩm nông sản có thị trường tiêu thụ 40% nội tỉnh, còn lại phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Thái Bình đạt giá trị sản xuất công nghiệp là 57.824 tỷ đồng, tăng 14,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 17,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.592 triệu USD, tăng 18,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.541 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết các loại hàng hóa xuất khẩu của Thái Bình chủ yếu được xuất đi các thị trường đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, các quốc gia ASEAN, Australia, New Zealand….
Tỉnh Long An cũng xác định năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số”. Vì thế, Long An đang nỗ lực ứng dụng CNTT để đưa sản vật địa phương, các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa sau những khó khăn vì đại dịch COVID-19, các hoạt động nỗ lực kết nối tiêu thụ hàng hóa với các thị trường trong và ngoài nước đã được tỉnh Long An chú trọng ngay từ đầu năm 2022. Hồi tháng 8/2022, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Long An và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã diễn ra. Tại đây, các doanh nghiệp đã giới thiệu một số sản phẩm đặc sản Long An, sản phẩm OCOP và các sản phẩm thương mại, dịch vụ, du lịch… với đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc. Các vấn đề liên quan đến thị trường, kinh doanh như thuế thông quan, các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng được các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, thủ tục để các mặt hàng nông sản của Long An có thể xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Chủ động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử
Dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông phẩm sẽ chịu nhiều tác động trước tình hình quốc tế. Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các địa phương cần chủ động trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để xây dựng chính sách.
Tại Thái Bình, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Postmart, Voso, Shopee, Tiki, Lazada đều trực tiếp tham dự Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu năm 2022. Với mong muốn các sản phẩm địa phương sẽ được đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử như một kênh phân phối mới, Sở Công Thương Thái Bình đã ký kết biên bản hợp tác với các sàn thương mại điện tử.
Được biết, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ gắn với du lịch, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Vì vậy, tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030.
Hoạt động kết nối giúp tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng được Long An chú trọng, thành lập các group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội doanh nghiệp Long An, zalo Đồng hương Long An… để giúp các doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi kinh nghiệm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án OCOP năm 2022, đặt mục tiêu công nhận thêm 44 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Kế hoạch OCOP 2022 của Long An cũng hỗ trợ để những sản phẩm tiềm năng có thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Tại Bắc Ninh, nhằm chủ động kết nối và mở rộng thị trường, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã có nhiều hoạt động tập trung vào kênh thương mại điện tử giúp các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh từng bước thâm nhập các thị trường lớn. Các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được Bắc Ninh phổ biến rộng rãi thông qua thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP. Phần mềm quản lý thực hiện chương trình đã được xây dựng với các tính năng quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, phân hạng sản phẩm, đặc biệt là kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử.
Nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục được chương trình OCOP góp phần tạo sức bật. Với việc dành nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong giai đoạn 2022-2025 tham gia chương trình OCOP, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online) hay bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).
Thực tế, thị trường nhiều sản phẩm và áp lực cạnh tranh cao. Vì thế, để đẩy mạnh tiêu thụ, các sản phẩm phải đặc sắc, khác biệt. Không chỉ vậy, yếu tố kết nối, quảng bá và xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng. Các địa phương cần xác định công tác kết nối là công tác lâu dài, bền bỉ và nên tận dụng mọi không gian, thời cơ để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, thông qua hoạt động xuất khẩu và thương mại điện tử. Hơn nữa, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng là hướng đi hiệu quả mà các địa phương nên khai thác triệt để./.