Kết nối cung cầu trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi

Hội nhập - Ngày đăng : 09:33, 20/10/2022

Không chỉ nỗ lực kết nối và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, Bộ Công Thương tích cực lồng ghép các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương vào các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản.

Nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản miền núi, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản miền núi. Nhiều nhóm giải pháp đã được Bộ Công thương đưa ra nhằm thực hiện thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi. Một trong những giải pháp là xây dựng hệ thống phân phối và cơ sở dữ liệu thông tin về nông sản của miền núi và các vùng đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được tiếp cận với các mô hình hỗ trợ đặc thù, trong đó, hệ thống phân phối của Bưu điện Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Bộ Công thương kỳ vọng mạng lưới gần hàng chục nghìn điểm bưu điện sẽ trở thành điểm cung ứng hàng hoá thiết yếu và là điểm thu mua nông sản địa phương, từ đó mở rộng khả năng tiêu thụ cho các nông sản sang các địa bàn khác.

Bên cạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phân phối tại các điểm bưu điện trong việc kích thích tiêu thụ nông sản miền núi và các vùng dân tộc, hoạt động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng luôn được Bộ Công Thương chú trọng.

Theo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản địa phương luôn được quan tâm và đẩy mạnh, đặc biết từ khi có Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Bộ Công thương cũng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiều đề án, chương trình để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm địa phương, vì vậy nhiều hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản đã được Bộ triển khai. 

Chẳng hạn như Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó giải pháp quan trọng là thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn từ 2014-2020, hiện nay là giai đoạn 2021-2025.

Các Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề, các tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản miền núi. Thời gian qua, những nỗ lực này đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho những tỉnh có sản lượng nông sản lớn như Bắc Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Sơn La…

Không chỉ nỗ lực kết nối và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, Bộ Công Thương cũng rất tích cực lồng ghép các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương vào các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản. Theo Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương, với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các hàng hóa OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao đã được đưa vào các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử để phục vụ người tiêu dùng trên cả nước, đồng thời quảng bá đến những thị trường nước ngoài, tăng sản lượng tiêu thụ cho người dân.

Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn tiếp theo cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia từ 2010-2020 trong 10 năm tới. Các hoạt động kết nối cung cầu cả trên nền tảng trực tuyến và trực tiếp đều được triển khai tích cực. Các hoạt động kết nối không chỉ diễn ra tại thị trường trong nước mà còn kết nối cả với thị trường nước ngoài, để đưa các mặt hàng nông sản ra quốc tế, tiếp tục thu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn cho đất nước. Tính đến nay, đã có hơn 50 tỉnh, thành phố triển khai các chương trình kết nối cung cầu để đưa hàng nông sản đến các thị trường lớn.

Bộ Công Thương cho biết hai đề án mới đã được Chính phủ quan tâm và phê duyệt,  sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đó là Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2030; trong đó, hoạt động kết nối cung cầu nông sản là điểm nhấn quan trọng.

Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030 và Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc và nhất là khu vực miền núi.

Với sự quan tâm của chính sách hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các hoạt động kết nối, quảng bá và thúc đẩy mở rộng thị trường sẽ được đẩy mạnh hơn, sáng tạo hơn, đặc biệt phát huy vai trò của địa phương và doanh nghiệp - những đơn vị có kiến thức tốt về quản trị kinh doanh, quản trị chuỗi cung ứng, góp phần đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý và chất lượng đảm bảo./.

Trần Cao