Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế tốt nhờ chính sách thích ứng linh hoạt

Hội nhập - Ngày đăng : 08:31, 20/10/2022

Các chuyên gia kinh tế của OECD, ABD, Indonesia cho rằng Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đã có các chính sách thích ứng linh hoạt và chiến dịch tiêm vaccine được triển khai nhanh, hiệu quả

Tại Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD 2022, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đã nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Điều đáng chú ý là điểm sáng này của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, song Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế tốt, và đảm bảo mức lạm phát thấp hơn hầu hết các nước OECD và Đông Nam Á.

Chính vì vậy, Việt Nam tiếp tục được Tổng Thư ký OECD đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong khu vực và toàn cầu. Trong thúc đẩy hợp tác với khu vực Đông Nam Á, các quốc gia OECD sẽ tiếp tục ưu tiên tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là nước đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khu vực Đông Nam Á. Tại Phiên thảo luận về triển vọng kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế của OECD, ABD, Indonesia cho rằng Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đã có các chính sách thích ứng linh hoạt và chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai nhanh, hiệu quả đã mang lại các thành tựu tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia này, dù phải đối phó với tác động của đại dịch COVID-19.

Để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này, một số khuyến nghị đã được các chuyên gia đưa ra cho Việt Nam. Các khuyến nghị như tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện tính bền vững của chính sách tài khoá đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra. Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đối phó với tình trạng dân số già hoá, Việt Nam cần đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội; hệ thống lương hưu và tài chính công cần được cải cách. Cùng với đó, cần tích cực kiến tạo các động lực tăng trưởng mới. Động lực tăng trưởng sẽ đạt được thông qua các chương trình cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất, chú trọng phát triển bền vững.

Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đã được đánh giá cao về tiềm năng thu hút FDI chất lượng cao, đặc biệt là nguồn vốn FDI phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Các đại biểu nhấn mạnh các nước Đông Nam Á còn rất nhiều dư địa thu hút các nguồn đầu tư “xanh”.

Tuy vậy, để biến tiềm năng thành cơ hội, theo các chuyên gia, các nước cần tăng cường thực hiện các biện pháp như tạo thuận lợi hơn nữa cho môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, các thủ tục hành chính cần được cắt giảm tối đa. Các nguồn FDI xanh nên được chú trọng thu hút bằng cách triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.

Ngoài ra, các chính sách thương mại rộng mở cần được tăng cường, đặc biệt là tạo sự thuận lợi trong giao thương thương mại dịch vụ. Cùng với chiến lược tăng trưởng kinh tế, chiến lược khí hậu cũng cần được xây dựng với lộ trình rõ ràng, khả thi nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Chuyển đổi xanh được xem là “yêu cầu bắt buộc” trong giai đoạn tới.

Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD năm 2022 diễn ra tại Hà Nội. Việt Nam đang đảm nhiệm Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022 - 2025. Diễn đàn là một trong những sự kiện thuộc chuỗi các hoạt động của OECD từ ngày 17 đến 21/10/2022.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là Đại sứ, lãnh đạo các bộ, ngành từ các quốc gia thành viên OECD và Đông Nam Á. Các tổ chức quốc tế, chuyên gia và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã tham dự trực tiếp và trực tuyến Diễn đàn. Nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã được tập trung thảo luận. Đó là các vấn đề thu hút sự quan tâm lớn như duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và thu hút FDI chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Diễn đàn là cơ hội để Việt Nam nắm bắt những ý tưởng sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm từ các thực tiễn tốt của OECD, tiếp thu những khuyến nghị chính sách quan trọng trong cải cách thể chế kinh tế thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới quản trị doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài gắn với công nghệ cao và bảo vệ môi trường…./.

Trần Cao