Nông nghiệp công nghệ cao – xu thế tất yếu cho Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 17:15, 17/10/2022
Sản xuất nông nghiệp "thay da đổi thịt" nhờ ứng dụng công nghệ cao
Theo báo cáo, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp nước ta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
Trong lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, gạo ST25 được công nhận là "gạo ngon nhất thế giới năm 2019" tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.
Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …
Ngành lâm nghiệp có sự phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng ổn định; đã làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo ra các dây chuyền chế biến, bảo quản có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu; hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ hai châu Á và đứng thứ năm trên thế giới.
Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...
Thực tế, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Dabaco, TH, Ba Huân... Đến nay, cả nước có khoảng 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Mặt khác, Bộ cũng đẩy mạnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tìm ra các xu hướng mới phù hợp với nền nông nghiệp nước ta.
Kỳ vọng những đột phá tiếp theo…
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã rõ, nhưng để mở rộng diện tích và phát triển nhiều ở các địa phương còn khó khăn như: Thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa ổn định; các doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Vì thế, việc phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cần phải có sự đầu tư đúng hướng, bài bản hơn nữa.
Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, trong chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022-2030, ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%, thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7-8%/năm.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa.
Đồng thời, tạo ra và đưa vào sản xuất được ít nhất từ 8-10 giống cây trồng vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; từ 8-10 quy trình công nghệ tiên tiến; từ 8-10 chế phẩm sinh học, vật tư, máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong mọi tình huống, nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp "sản lượng cao" sang "nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững" - đây là chìa khóa cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững./.