Mở rộng phát triển mô hình Kinh tế ban đêm
Truyền thông - Ngày đăng : 19:08, 13/10/2022
Kinh tế ban đêm là cụm từ dùng để miêu tả các hoạt động giao thương, dịch vụ, du lịch bao gồm: vui chơi, giải trí, lễ hội, ẩm thực, sự kiện,… diễn ra vào khung giờ từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Thông thường, kinh tế ban đêm được chia thành: kinh tế buổi tối (từ 18 giờ đến 0 giờ) và kinh tế đêm muộn (từ 0 giờ cho tới 6 giờ).
Trên thế giới, kinh tế ban đêm không còn là một mô hình xa lạ, điển hình như ở Vương quốc Anh, kinh tế ban đêm đã đem lại cho nước này khoảng 6% GDP, tương đương với khoảng 66 tỷ bảng và tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm. Tại Nhật Bản, các hoạt động kinh tế về đêm ở Tokyo đã mang về 3,76 tỷ USD mỗi năm hay tại Australia, nước này đã thu được khoảng 100 tỷ USD mỗi năm cùng với 1,1 triệu việc làm. Mô hình kinh tế ban đêm ở các nước khác như: Trung Quốc, Thái Lan và Singapore đang thu được nguồn lợi lớn.
Tại Việt Nam, khái niệm kinh tế ban đêm được biết đến trong những năm gần đây. Ngày 27/7/2020, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ - TTg phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam", trong đó, chú trọng vào phát triển du lịch ở giai đoạn trước mắt. Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt ta có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào với sự đa dạng về văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật,…
Không những thế, Việt Nam cũng có số lượng dân số trẻ đông, đa phần tập trung sống ở các thành phố lớn, nơi có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Thêm vào đó, thời tiết ban đêm tại Việt Nam là khá dễ chịu và an ninh ổn định. Hiện nay, kinh tế ban đêm chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay ở những thành phố du lịch như Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang,… Tuy nhiên, do kinh tế ban đêm ở những nơi này vẫn đang ở bước khởi động, các dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế nên quy mô vẫn ở mức nhỏ.
Lợi ích và trở ngại của kinh tế ban đêm
Không thể phủ nhận được những lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại cho nền kinh tế chung của đất nước.
Ảnh: VnEconomy
Thứ nhất, do tính chất hoạt động của kinh tế ban đêm vào khung giờ từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, đó không phải là khung giờ chính mà mọi người phải làm việc và cũng là khung giờ mát mẻ, các loại hình du lịch, dịch vụ, giải trí, mua sắm, ẩm thực về đêm sẽ tạo nên sự độc đáo dễ dàng thu hút được khách du lịch, khách địa phương. Ví dụ điển hình là các khu chợ đêm, các quán bar, quán ăn, cửa hàng tiện lợi mở 24/24 phục vụ vào khung giờ tối đêm luôn là nơi lui tới của khách du lịch và người địa phương, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, các hoạt động giao thương diễn ra vào giờ tối đêm sẽ mang lại một nguồn thu khổng lồ cho doanh nghiệp và cả những hộ dân kinh doanh tại các địa điểm phục vụ, đóng góp cho nền kinh tế của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ hai, kinh tế ban đêm khiến cho số lượng việc làm được gia tăng. Khi thành phố hoạt động 24 giờ đồng nghĩa với khung giờ làm việc sẽ mở rộng, không còn bó buộc trong những khung giờ hành chính quen thuộc, sẽ cần một lực lượng lao động để đáp ứng vận hành. Do đó, cơ hội việc làm đa dạng từ những khu du lịch, vui chơi, giải trí cho đến những nhà hàng, quán ăn cho người dân để phục vụ khách tham quan, du lịch được nhân lên giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm việc làm, giảm bớt được tình trạng thất nghiệp, góp phần phát triển, ổn định xã hội ở địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung.
Thứ ba, sự qua lại của khách du lịch trong nước và quốc tế tới địa phương trong các hoạt động diễn ra về tối đêm mang lại sự đa dạng, phát triển văn hoá, giải trí. Có thể nói, kinh tế ban đêm là một công cụ trợ giúp đắc lực để đẩy mạnh phát triển văn hoá, giải trí của địa phương. Các hoạt động như: âm nhạc, lễ hội, sự kiện sẽ tạo ra được những ấn tượng nổi bật khi nó được tổ chức về đêm. Không chỉ có vậy, những hoạt động về văn hóa giải trí còn là nhân tố thiết yếu giúp quảng bá mạnh mẽ cho ngành du lịch của địa phương, nhờ đó du lịch và các ngành dịch vụ khác cũng được phát triển.
Bên cạnh những ưu điểm, kinh tế ban đêm cũng tồn tại những khó khăn, trở ngại khi mô hình này được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Các hoạt động giao thương diễn ra về đêm có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội như: mại dâm, cờ bạc, ma tuý,.. gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt là ở những nhà hàng, quán bar khi khách tham quan, du lịch sử dụng đồ uống có cồn. Thêm vào đó, các khu dịch vụ, du lịch về đêm cũng có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống ở gần khu vực đó. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế ban đêm cũng có thể làm ô nhiễm môi trường nếu lượng khách qua lại đông và thiếu kiểm soát, việc này cũng có thể làm cho tình trạng quá tải diễn ra, tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng.
Mở rộng phát triển mô hình kinh tế ban đêm
Mặc dù kinh tế ban đêm vẫn còn nhiều những hạn chế, nhưng mô hình này vẫn là một đòn bẩy cho sự phát triển nền kinh tế chung cùng với ngành du lịch. Do đó, cần có những biện pháp hợp lý để mở rộng mô hình kinh tế ban đêm.
Ảnh: Người Lao Động
Sự phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp
Để mô hình kinh tế ban đêm được nhân rộng, các địa phương cần tích cực nghiên cứu, tìm ra những thế mạnh, tiềm năng mặt hạn chế trong các lĩnh vực hỗ trợ cho kinh tế ban đêm. Từ đó đề ra những phương án để xây dựng một hệ thống gồm các loại hình phát triển kinh tế ban đêm có quy củ, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và tình hình của địa phương mình. Thêm vào đó, các địa phương cũng cần có những khuyến khích, nâng cao sự hiểu biết của người dân về kinh tế ban đêm và những lợi ích mà nó đem lại trong việc phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng tính đến những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn khi tiến hành phát triển mô hình kinh tế ban đêm như: an ninh, xã hội, môi trường... và những tình huống phát sinh như lượng khách du lịch tới đông dẫn đến quá tải, để có những chính sách quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách tham quan, du lịch tham gia vào các hoạt động về đêm mà vẫn giữ ổn định trật tự trên địa bàn nhờ những biện pháp mạnh bảo đảm an ninh, phục vụ được lượng khách du lịch lớn.
Đồng thời, các địa phương cũng nên có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn của người dân và khách du lịch. Không chỉ có vậy, các địa phương cần lên kế hoạch để gia tăng việc làm, thu nhập cho người dân để đáp ứng vận hành được kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ,… cũng cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích và phối hợp với chính quyền địa phương để đóng góp những đề xuất, sáng kiến về những loại hình du lịch, văn hoá, giải trí,… nhằm giúp mở rộng phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại địa phương.
Sự tham gia tích cực của người dân, các hộ kinh doanh địa phương
Bên cạnh sự phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, sự tăng cường tham gia của người dân và các hộ kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Các hộ kinh doanh trong các ngành dịch vụ, ẩm thực,… cần chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các quy định mà chính quyền địa phương đặt ra đồng thời cũng cần có ý thức, trách nhiệm trung thực trong việc trao đổi, cung cấp dịch vụ với khách hàng.
Người dân địa phương nên tích cực hơn tham gia vào các hoạt động du lịch ban đêm. Người dân bản địa nên đóng vai trò là người chỉ dẫn, giúp đỡ khách du lịch tới tham quan những địa điểm khai thác du lịch về đêm, đồng thời cũng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa các ngành nghề
Kinh tế ban đêm vận hành được không chỉ dựa vào du lịch mà còn phải có sự kết hợp, hỗ trợ nhuần nhuyễn của các ngành nghề khác như: vận tải, tài chính, logistic,… để đưa kinh tế ban đêm phát triển có chiều sâu, vững chắc. Khi khách du lịch tìm đến các địa điểm phục vụ về đêm, ngoài thưởng thức ẩm thực, tham gia vào sự kiện vui chơi, giải trí, cũng cần dịch vụ vận tải như taxi, xe ôm,… để qua lại giữa các địa điểm.
Thêm vào đó, các điểm phục vụ về đêm cũng cần đến một hệ thống logistic nhanh gọn để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách du lịch. Vì thế, để kinh tế ban đêm phát triển mở rộng, cần có một sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành nghề nhằm đảm bảo sự cung cấp dịch vụ được hoạt động trơn tru./.