Liên kết, hợp tác Việt Nam - Lào để phát triển du lịch vùng biên giới

Truyền thông - Ngày đăng : 08:47, 06/10/2022

Đây là vấn đề trọng tâm tại hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Điện Biên tổ chức thu hút nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực và địa phương đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý quan tâm tới vấn đề liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Dienbienportal

Cần tiếp tục thúc đẩy "một chuyến đi, hai điểm đến"

Theo ông Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc phát triển du lịch biên giới Việt - Lào cần gắn với phát triển kinh tế các địa phương biên giới; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển du lịch khu vực biên giới; rà soát và đơn giản hoá thủ tục hành chính, hải quan. Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác phát triển sản phẩm và các điểm du lịch và đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, các tỉnh biên giới như Điện Biên cần hỗ trợ tăng cường xúc tiến quảng bá cho du lịch vùng biên giới; tổ chức các đoàn khảo sát du lịch Việt - Lào cho doanh nghiệp; tổ chức các buổi toạ đàm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý; chú trọng tới công tác truyền thông điểm đến...

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với các hãng hàng không mở lại đường bay kết nối Luông Pha Băng với Hà Nội; giảm giá vé bay giữa Hà Nội và Viêng Chăn… Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ nỗ lực tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách trong chuyến đi, đặc biệt là các chuyến du lịch một chuyến đi hai điểm đến Việt - Lào.

Ngoài đề xuất trên từ các doanh nghiệp du lịch, để hoạt động du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào được liên kết và phát triển, các cơ quan chức năng của 2 nước cần có giải pháp khắc phục một số hạn chế về cơ sở hạ tầng đường bộ khi phải di chuyển mất nhiều thời gian, hạ tầng đường không chỉ đón được các máy bay nhỏ; nguồn nhân lực du lịch; thủ tục, quy định đăng kí đi du lịch vào vùng biên giới và thông quan du lịch xe tự lái; hạ tầng kết nối đến cửa khẩu và hạ tầng tại cửa khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách qua cửa khẩu đường bộ…

Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Nhận định về việc hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương hai nước Việt Nam - Lào, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, những năm qua, nhiều hoạt động đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước. Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn.

Đánh giá cao mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, đây là tài sản vô cùng quý giá và cơ sở vững chắc cho hợp tác phát triển du lịch.

Trong thời gian tới phía bạn Lào quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi đi lại, xuất nhập cảnh cho khách du lịch từ Lào cũng như từ nước thứ ba đến Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, cam kết Việt Nam sẽ đồng hành cùng nước bạn Lào nỗ lực đảm bảo an toàn cho du khách hai bên. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam hưởng ứng cùng chung tay thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế của mỗi nước hậu Covid-19.

Trong khi đó, để khai thác phát triển du lịch biên giới, đại diện tỉnh Điện Biên cho hay, tỉnh này dự kiến sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính gồm: Chủ động ngoại giao kinh tế, đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, phối hợp với các tỉnh của Lào tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch hai bên. Đồng thời, sẽ phối hợp với 2 tỉnh Phong Sa Ly và Luông Pha Băng của Lào tiếp tục kiến nghị Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên kết nối các cửa khẩu quốc tế và chợ biên giới Việt - Lào.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, về phía tỉnh Điện Biên, thời gian tới, cần tiếp tục tham gia tích cực, chủ động vào công cuộc "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Điện Biên tới bạn bè quốc tế.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên. Đây là lợi thế và động lực to lớn để hai bên nỗ lực thúc đẩy vượt qua những khó khăn về địa hình hiểm trở, cùng nhau hợp tác, liên kết phát triển du lịch biên giới, tăng cường giao lưu trao đổi khách du lịch lẫn nhau đồng thời thu hút du khách từ nước thứ ba.

Nỗ lực hợp tác từ 2 nước Việt Nam - Lào trong lĩnh vực du lịch thể hiện các con số:

- Năm 2019 trao đổi khách du lịch hai nước (trước thời điểm đại dịch COVID-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt, trong đó khách Lào sang Việt Nam đạt hơn 98.000 lượt; khách Việt Nam sang Lào đạt 924.875 lượt.

- Việt Nam đứng thứ ba về gửi khách đến Lào. Kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra đã gây những khó khăn chưa từng có trong giao lưu, hợp tác văn hóa và du lịch quốc tế nhưng không thể cản trở nỗ lực khôi phục du lịch của hai nước.

- Sau khi hai nước mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46,5 nghìn lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào.

Hội thảo Liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào nằm trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam - Lào lần thứ 3 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhằm hưởng ứng kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào.

Bình Minh