Công chúng và việc thiết lập “bộ lọc” tin giả
Truyền thông - Ngày đăng : 16:25, 05/10/2022
Đó chỉ là một ví dụ trong hàng loạt các loại tin giả phát tán mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội. Công chúng cần thiết lập "bộ lọc" để suy xét kĩ khi tiếp nhận và chia sẻ tin tức trên mạng xã hội, các nhóm trò chuyện (chat), các diễn đàn, nhóm thảo luận trên mạng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cộng đồng của mình.
Nhận diện tin giả và cơ chế lan truyền tin giả
Theo các tác giả Zimmermann & Kohring, trên Tạp chí Nghiên cứu Truyền thông (Đức) năm 2018, tin giả là bất kỳ loại thông tin sai lệch nào được tạo ra hoặc phân phối có chủ ý trong một môi trường nơi một sự thật nào đó được khẳng định là có tồn tại, thường chúng có liên quan đến các sự kiện hiện tại, và mang đến cảm giác/hương vị như là tin tức.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Friedrich Naumann Stiftung (Đức), đối tượng tạo ra tin giả và lan truyền tin giả không chỉ có người dùng thật, mà nhiều trong số đó là các "social bot". Bots là các chương trình máy tính thực hiện một số tác vụ phần lớn một cách tự chủ, ví dụ: quét các trang web được chỉ định nội dung hoặc gửi tin nhắn. Trên mạng xã hội, các "social bot" tạo tài khoản giả giống tài khoản thật (tức là con người).
Những tài khoản như vậy có thể chia sẻ tweet trên Twitter hoặc cung cấp lượt thích trên Twitter (và các nền tảng mạng xã hội khác). Mục tiêu chính của các tương tác tự động như vậy với các mục tin tức không phải để thu hút sự chú ý của người dùng thực sự, mà để đảm bảo rằng các thuật toán của nền tảng truyền thông xã hội đánh giá là mục tin tức được quan tâm cao, tăng tương tác của người dùng được chỉ định, tăng mức độ liên quan, và từ đó có nhiều khả năng được hiển thị cho những người dùng khác. Mục đích của "social bot" là thao túng cơ chế này.
Hai động lực chính cho việc sản xuất tin giả là lợi ích tiền bạc và lợi ích tư tưởng. Các đối tượng tạo ra tin giả hoặc phát tán tin giả nhằm có lượng tương tác lớn, gây chú ý trong cộng đồng mạng, hoặc để thu hút quảng cáo, khách hàng; hoặc giúp "lăng xê" hay hạ thấp uy tín của ai đó (có thể là đối thủ chính trị, kinh doanh, hoặc trong đời sống cá nhân).
Nội dung tin giả, thông tin sai lệch thường có nội dung: Châm biếm hoặc chế nhạo: Tin tức không có ý định gây hại nhưng có khả năng lừa gạt; Nội dung gây hiểu lầm: Sử dụng thông tin gây hiểu lầm để đóng khung vấn đề hoặc cá nhân. Loại nội dung này xảy ra khi ai đó sử dụng thông tin gây hiểu lầm để trình bày về các vấn đề hay các cá nhân theo những cách nhất định bằng cách cắt ghép hình ảnh, chọn lọc trích dẫn hay số liệu thống kê; Nội dung mạo danh: Khi các nguồn tin thật bị mạo danh; Nội dung bịa đặt: Nội dung giả hoàn toàn, được thiết kế để lừa dối hoặc gây hại; Liên kết sai: Khi tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ hoặc không liên quan đến nội dung; Bối cảnh sai: Khi nội dung thật được đặt trong bối cảnh sai; Nội dung ngụy tạo: Khi thông tin hoặc hình ảnh thật bị tác động để lừa gạt người xem.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachuset (MIT), Mỹ, tin sai (false news) thường mới lạ hơn tin thật, và đó có thể là lý do tại sao chúng ta chia sẻ tin giả nhanh hơn và rộng rãi hơn tin đúng (true news) nhiều. Những phản ứng thường thấy và nổi bật đối với tin sai là ngạc nhiên, sợ hãi hay ghê tởm. Trong khi đó, tin tức đúng có xu hướng gây ra phản ứng như buồn, vui, mong đợi và tin tưởng.
Thiết lập "bộ lọc" tin tức
Cộng đồng mạng và công chúng nói chung chắc hẳn chưa quên vụ việc giả mạo liên quan đến "bác sĩ Khoa", những tin đồn về cách thức chống COVID-19 như sấy tóc có thể diệt virus, thông báo giả về việc phun thuốc diệt khuẩn toàn bầu trời… Công chúng cần biết hoài nghi trước tin tức, có những kiến thức cơ bản để nhận diện trang web nào trông có vẻ là giả mạo, tin tức nào có vẻ là tin bịa đặt, có trách nhiệm khi chia sẻ tin tức. Cần cân nhắc những vấn đề sau đây:
- Chú ý xem tin tức đến từ đâu
Scott Ruston, một nhà nghiên cứu trong Sáng kiến Bảo mật Toàn cầu của Đại học Bang Arizona cho biết: "Nếu tin tức đến qua nguồn cấp dữ liệu như Twitter, Facebook hoặc Instagram, đừng nghĩ đó là thông tin từ các nền tảng đó, bởi vì nó không phải như vậy. Hãy tự hỏi bản thân xem những tin tức đó đến từ ai và bối cảnh là gì. Nếu bài báo bạn đọc đưa ra lời buộc tội, hãy tự hỏi bản thân: điều này có lợi cho ai? Nguồn phát tài liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Ví dụ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây đã xác định có nhiều chiến dịch thông tin sai lệch về COVID-19 ở châu Âu. Trong những trường hợp đó, họ cho rằng những tuyên bố cứng rắn về mối nguy hiểm đối với cư dân đã được đưa ra nhằm mục đích phá hoại Chính phủ".
- Chú ý kiểm tra nguồn gốc thông tin trên mạng xã hội
Tài khoản Twitter, Facebook hay các blog luôn có các tổ chức, cá nhân đứng sau. Do đó bạn hãy kiểm tra thông tin cá nhân trong hồ sơ (profile) của tài khoản đó. Việc này chỉ mất vài giây và không hề khó khăn. Những người có uy tín thường đưa thông tin cá nhân vào phần giới thiệu (Bio) của họ để củng cố uy tín.
- Kiểm tra các nguồn và cách chúng được đưa vào bài báo
Khi đọc báo, hãy xem nguồn tin trong bài đã được xử lý và khai thác, tham khảo thế nào. Thông thường các nguồn đáng tin cậy là các nguồn được nêu tên và các nguồn là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Việc chứng thực tin tức là rất quan trọng, do vậy trong trường hợp nguồn không được nêu tên thì độc giả cần xem xét việc không nêu tên đó có thỏa đáng không.
- Không chỉ đọc tiêu đề bài viết
Độc giả không nên bị kích thích cảm xúc bởi tiêu đề. Nên đọc bài báo một cách đầy đủ, trọn vẹn. Mục đích của tiêu đề là để bạn đọc nhấp vào bài hoặc theo dõi nếu bạn đang lướt kênh. Các chuyên gia chia sẻ thêm rằng: Người đặt tiêu đề (biên tập viên) muốn thu hút sự chú ý của bạn, nhưng người đặt tiêu đề thường không phải là người viết câu chuyện, bài báo đó, vì vậy có thể họ không hiểu đầy đủ sắc thái của nội dung câu chuyện, bài báo đó.
- Tiếp nhận tin tức từ nhiều nguồn khác nhau
Nếu bạn có cảm xúc cực độ như phẫn nộ hay phấn khích khi đọc một thứ gì đó, đó có thể là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn nên đọc sâu hơn. Như bài báo đã phân tích ở trên, nhiều tin giả được tạo ra không phải để thông báo mà là để kích hoạt phản ứng tức giận, hoặc sợ hãi, hoặc vui vẻ phấn khích... Do vậy chúng ta cần kiểm tra các nguồn tin tức bổ sung để xác nhận thông tin.
- Tìm đến những tờ báo uy tín, các trang kiểm chứng thông tin
Nên tìm đến báo chí chính thống, những tờ báo uy tín, nên đọc đa dạng nguồn tin, cả trong và ngoài nước. Nhà báo là những người hành nghề chuyên nghiệp, họ có nghiệp vụ kiểm chứng thông tin, có quy trình sản xuất tin bài bài bản giảm thiểu tối đa nguy cơ truyền tin giả.
Nếu vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào khả năng nhận biết và phân tích, sàng lọc của bản thân, công chúng nên tìm đến các chuyên mục Kiểm chứng thông tin của các hãng thông tấn, các tờ báo. Hãng thông tấn AP (Mỹ) thường xuyên có lực lượng kiểm chứng thông tin và kịp thời đưa thông tin kiểm chứng thật – giả đến công chúng.
Tại Việt Nam, Cổng thông tin http://tingia.gov.vn/ thuộc Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử liên tục tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Báo Nhân dân điện tử cũng đã có chuyên mục Kiểm chứng thông tin tại địa chỉ https://nhandan.vn/factcheck để thông tin đến độc giả về tính xác thực của tin tức trên các nền tảng báo chí và mạng xã hội.
Nhìn chung công chúng cần biết hoài nghi trước tin tức, có những kiến thức cơ bản để nhận diện trang web nào trông có vẻ là giả mạo, tin tức nào có vẻ là tin bịa đặt, và có trách nhiệm khi chia sẻ tin tức. Việc đọc và không chắt lọc, cắt nghĩa được thông tin, chia sẻ nhầm và hồn nhiên là điều không hiếm gặp, đối với chính bạn bè, người thân trong gia đình chúng ta. Hãy giúp bạn bè, người thân chúng ta nhận thức về điều này, hướng dẫn và cung cấp các nguồn tin đáng tin cậy cho họ. Sau mỗi lần nhầm lẫn, mọi người sẽ rút được kinh nghiệm, sẽ có nhận thức cao hơn và cẩn trọng hơn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Edson C. Tandoc Jr., Zheng Wei Lim & Richard Ling (2017): Defining "Fake News", Tạp chí Digital Journalism.
2. Philipp Müller & Nora Denner, Friedrich Naumann Stiftung, tập san What can be done to counter fakenews.
3.https://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/types-sources-and-claims-covid-19-misinformation#sources
4. https://research.asu.edu/disinformation-democracy-QA-Scott-Ruston
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)