Bắc Ninh khơi dậy văn hóa đọc bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 06:50, 12/10/2022
Đi đầu trong phong trào khơi dậy văn hóa đọc là Thư viện tỉnh. Để thu hút bạn đọc đến với sách, đơn vị này đã tiến hành đổi mới phương pháp tiếp cận sách từ phòng đọc. Ở đó mỗi phòng đọc giống như một không gian mở, thân thiện với môi trường và tạo cảm giác thư thái. Hiện phòng đọc của Thư viện tỉnh có hơn 6.000 đầu sách các thể loại có thể cùng lúc phục vụ 1000 bạn đọc.
Ngoài không gian được trang trí hiện đại, phòng đọc sách còn có cả sân khấu nhỏ phục vụ bạn đọc giao lưu, trao đổi, thảo luận về sách, văn hóa…Các thủ tục hành chính cũng được giảm thiểu, bạn đọc chỉ cần đăng ký với thủ thư là có thể xem sách. Phương pháp tra cứu tìm đầu sách thông qua công nghệ số giúp bạn đọc có thể tìm cuốn sách mong muốn với thời gian nhanh nhất. Phương pháp bày trí sách theo các thể loại, chuyên mục... trên các giá gỗ cũng rất thuận tiện.
Với không gian và phong cách phục vụ như thế, phòng đọc của Thư viện tỉnh Bắc Ninh mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt bạn đọc, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đến để đọc, tìm hiểu, thậm chí chỉ để tham quan và trò chuyện.
Phòng đọc dành riêng cho thiếu nhi cũng được thiết kế rất hiện đại, phù hợp với lứa tuổi và tạo sự hấp dẫn đặc biệt đối với các bạn nhỏ. Chị Thủy Tiên, thủ thư cho biết, phòng đọc có gần 20.000 đầu sách các thể loại dành cho thiếu nhi mỗi ngày đón khoảng 50 lượt bạn nhỏ đến xem và mượn sách. Riêng ngày nghỉ thứ 7, lượng bạn đọc tăng đột biến gấp hàng chục lần. Đầu năm nay, Thư viện tỉnh vừa cấp mới 500 thẻ đọc thường xuyên. Chưa kể, trong phòng này còn xây dựng khu hoạt động với các trò chơi dân gian rất hấp dẫn các bạn nhỏ.
"Đưa sách đến với bạn đọc" là phương châm Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Luyên tâm niệm. Theo đó ngoài đổi mới phong cách phục vụ phòng đọc, Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên luân chuyển sách giữa các thư viện các cấp; triển khai hiệu quả mô hình thư viện đa phương tiện, thư viện lưu động…
Các bạn học sinh say sưa trao đổi về chủ đề cuốn sách mình yêu thích
Cùng với việc thay đổi cách đưa sách, văn hóa đọc đến với bạn đọc, tỉnh Bắc Ninh còn chú trọng tổ chức các cuộc thi nhằm quảng bá rộng rãi văn hóa đọc, kéo bạn đọc đến với sách. Năm nay, cuộc thi tìm Đại sứ văn hóa đọc toàn tỉnh đã chọn ra 56 cá nhân và 3 tập thể xuất sắc. Trong đó giải Nhất cấp THCS được trao cho em Phan Bảo Chi, lớp 8A1, Trường THCS Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh); cấp Tiểu học cho em Vũ Thùy Trang, lớp 4A3, Trường TH Đình Bảng 2 (Từ Sơn). Giải tập thể được trao cho Trường THCS Tiền An (thành phố Bắc Ninh); Trường TH Tương Giang (thành phố Từ Sơn) và Trường TH và THCS Hoàng Hoa Thám (thành phố Bắc Ninh).
Ngày hội đọc sách tỉnh Bắc Ninh hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được các ngành chức năng tỉnh tổ chức hằng năm thực đúng như một ngày hội. Đây không chỉ là cơ hội cho các nhà xuất bản, nhà sách quảng bá, giao lưu, trao đổi, ký kết hợp đồng cung ứng sách mà còn là cơ hội để khơi dậy lòng đam mê, hình thành thói quen đọc sách cho nhân dân, đặc biệt là học sinh. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức nhân ngày này thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự…
Ngoài ra, các hoạt động bên lề của Ngày sách và văn hóa đọc Bắc Ninh cũng rất ý nghĩa như tổ chức theo từng chủ đề, phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên. Khuyến khích xây dựng và phát triển mô hình thư viện trường học thân thiện, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng cấp học, ngành học. Phát động, tổ chức phong trào thu gom sách, ủng hộ sách cho các trường học còn thiếu sách, ít sách.
Xây dựng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, phòng đọc nhà văn hóa cũng là một trong những giải pháp mà Bắc Ninh thực hiện để đưa sách đến với bạn đọc. Gắn phong trào đọc sách với các phong trào khác như: Xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến tài... Nhà trường, gia đình và xã hội phải hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất, khuyến khích mọi người viết sách để có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay; Tôn vinh các cá nhân điển hình tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; những người đam mê đọc sách, đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà./.