Bắc Ninh thay đổi tích cực từ mô hình "Công dân học tập"
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:25, 17/10/2022
Tại Bắc Ninh, với sự quan tâm của hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác khuyến học là điểm sáng toàn quốc; riêng mô hình CDHT, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai thí điểm 8/8 huyện, thị xã, thành phố, từng bước rút kinh nghiệm trước khi tham gia triển khai bộ tiêu chí chung của cả nước trong thời gian tới.
Ông Võ Bá Cự, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh cho biết: Ngay sau khi triển khai mô hình CDHT, Hội Khuyến học đã chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và tổ chức các buổi tuyên truyền tới người dân, xây dựng các mô hình điểm để từ đó có sức lan tỏa đền từng từng đơn vị, từng gia đình trên địa bàn tỉnh.
Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh luôn xác định việc xây dựng mô hình CDHT gắn với đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời là việc làm rất cần thiết. Qua đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập và phát triển.
Vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức Hội thảo Công tác khuyến học tỉnh Bắc Ninh qua mô hình CDHT. Mục tiêu trong buổi Hội thảo nêu rõ trong thời đại công nghiệp 4.0, mô hình CDHT là một mô hình quan trọng và cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dựa trên 3 năng lực cơ bản là: Năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ tương tác; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Huyện Quế Võ là một trong những huyện đi đầu trong việc triển khai mô hình CDHT tại 3 xã có tiêu chí phù hợp là xã Mộ Đạo, xã Việt Hùng và thị trấn Phố Mới. Xã Mộ Đạo nổi tiếng là địa phương giàu truyền thống hiếu học, toàn xã có 17 tiến sĩ và gần 40 thạc sĩ. Hội khuyến học đã chọn thí điểm 10 gia đình ở 3 thôn Trúc Ổ, Trạc Nhiệt và Mộ Đạo đăng ký "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và công dân học tập". Kết quả cả 10 gia đình đều đạt tiêu chí CDHT, từ đó đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa của việc tự ý thức vươn lên trong học tập đối với thế hệ trẻ.
Ông Dương Mạnh Hùng, ở tổ dân phố số 5 chia sẻ: Vợ chồng tôi cao tuổi rồi nên khó tiếp cận với máy tính, vì vậy chúng tôi thường xuyên cập nhật tin tức trên ti vi hay lên thư viện huyện đọc và tìm hiểu những kiến thức sâu rộng hơn để trong bữa cơm gia đình vợ chồng tôi dậy bảo, chia sẻ, trao đổi cùng các con cháu cách giữ gìn mối quan hệ, cách đối nhân xử thế. Ngược lại, con cháu biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh thì lại cung cấp cho chúng tôi những thông tin nhanh nhất, điển hình như diễn biến của dịch COVID-19, các biện pháp phòng, chống dịch... Nhờ đó, gia đình tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, hòa thuận và đoàn kết.
Thư viện là nơi nhiều thế hệ bạn đọc tìm đến nghiên cứu
Cũng như xã Mộ Đạo, 2 đơn vị được chọn làm mô hình điểm là xã Việt Hùng, thị trấn Phố Mới, Hội khuyến học đã triển khai mô hình CDHT đến cán bộ, người dân được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Nhờ tích cực xác định, thu thập thông tin, làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã nên nhận thức về việc học trong các gia đình đã tăng lên. Cán bộ và người dân quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại để cập nhật, khai thác thông tin trong nước và quốc tế.
Thành công bước đầu trong việc triển khai mô hình CDHT là động lực giúp Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo phát triển mạnh mẽ, lan tỏa mô hình CDHT trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cách để Bắc Ninh huy động toàn xã hội quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa tri thức, góp phần xây dựng Bắc Ninh trở thành một xã hội người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập./.