Xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu từ sức mạnh lòng dân

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 09:32, 14/10/2022

Xác định công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy những năm qua nhiều huyện, thị xã của Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu phát triển bền vững

Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài. Việc đạt chuẩn nông thôn mới được xem như cột mốc khởi đầu cho cả chặng đường tiếp theo. Phải hiểu rõ như vậy mới nâng cao được chất lượng và tính bền vững của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với những xã đã hoàn thành nông thôn mới cần tiếp tục chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là đi vào chiều sâu chất lượng để nông thôn mới bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Bước sang giai đoạn 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu năm 2022 có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nội đã và đang tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh nổi bật của từng địa phương.

Vấn đề đặt ra cho các địa phương hiện nay là: Xây dựng cảnh quan khu dân cư, trồng loại cây gì, nuôi con gì để đảm bảo yếu tố bền vững, tạo được phong trào rộng lớn cho cộng đồng. Hiện nay, nhiều vùng nông thôn đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là ở các huyện ven đô, việc làm thế nào để giữ gìn được văn hóa truyền thống đặc thù và cảnh quan từng làng quê là điều không đơn giản. Quan điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của trung ương là coi trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân. Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải có thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa - xã hội… cao hơn so với khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới đã được công nhận. Trong đó, mỗi địa phương sẽ có những điểm nhấn riêng.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Phát huy sức mạnh lòng dân

Xác định đây là một phong trào lâu dài, phải nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phải gương mẫu từ chính bản thân mỗi công dân, gia đình thì tập thể mới trở thành tập thể kiểu mẫu. Chính vì vậy công tác tuyên truyền tại các địa phương đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các tiêu chí ở giai đoạn trước được nâng lên ở mức độ cao hơn. Thêm điểm mới là mỗi xã phải có ít nhất một mô hình nông thôn thông minh. Đối với tiêu chí kiểu mẫu, các xã tự chọn hoàn thành một trong 8 lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số.

Là địa phương duy nhất của TP. Hà Nội có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: "Huyện Đan Phượng yêu cầu các xã bám sát bộ riêu chí của trung ương và thành phố về xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, các xã lựa chọn, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực. Đồng thời các địa phương bảo đảm các tiêu chí chung như: Thu nhập bình quân/người/năm, không có hộ nghèo, không nợ xây dựng cơ bản. Năm 2022, huyện Đan Phượng phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu".

Xã Liên Hà là một trong những địa phương đi đầu trong phong trao xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng. Theo ông Nguyễn Quang Lục, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, xã có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nghề mộc dân dụng. Nghề truyền thống này giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 94% lao động địa phương và gần 4.000 lao động ngoài xã với thu nhập ổn định. 

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cũng được quy hoạch lại theo hướng tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện, cả 4/4 thôn của xã đều có nhà văn hóa, xã có sân thể thao rộng hơn 3.700m2 đạt chuẩn. Việc sinh hoạt, hội họp nhân dân thôn, cụm dân cư và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của các câu lạc bộ tại các nhà văn hóa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả. 

Để nâng cao đời sống người dân, xã được UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa thể thao xã với diện tích 8.500m2, đang tiến hành triển khai. Liên Hà cũng vận động nhân dân xã hội hóa làm cổng làng, cải tạo, nâng cấp các công trình tâm linh, duy trì phong trào vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa, cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nói về quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Nguyễn Văn Thể (trú tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: "Suốt thời gian qua, chính quyền và nhân dân xã Liên Hà đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Cụ thể, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ thông thoáng hơn, giao thương hàng hóa thuận lợi. Từ đó, người dân có điều kiện để mở rộng phát triển sản xuất, giúp cuộc sống ngày càng ấm no, vui vẻ hơn"./.

Đỗ Thêu