Hà Nội: Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:41, 13/10/2022

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3823/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT), giai đoạn 2022 - 2025.

Vấn đề "nóng"

ATGT luôn là vấn đề "nóng" tại Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây. Trên khắp nẻo đường, khẩu ngữ "ATGT là hạnh phúc cho mọi nhà" như lời nhắc nhở, cảnh báo đối với mọi người tham gia giao thông. Tuy vậy, hằng ngày, hằng giờ tai nạn giao thông vẫn xảy ra và trở thành vấn đề nhức nhối.

Hiện nay trên đường phố Hà Nội, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh nhiều thanh, thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông…Những hành vi này không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kiềm chế TNGT. Văn hóa giao thông thể hiện qua những hành vi nhỏ nhất như: Ưu tiên nhường đường cho người già, trẻ em; Biết xin lỗi khi có va chạm; Đội mũ bảo hiểm cho mình và trẻ em khi tham gia giao thông… Khi văn hóa giao thông được nâng lên thì những hành vi sai trái sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án, khi đó TNGT và ùn tắc giao thông sẽ từng bước được đẩy lùi.

Để hạn chế các vụ TNGT do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ trên tất cả các "mặt trận" bằng các hình thức, phương pháp đa dạng, sinh động. Công tác tuyên truyền này cần phải làm thường xuyên, bền bỉ và lâu dài. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong việc giữ gìn trật tự, ATGT, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, như: Ngày hội đoàn viên, thanh niên với văn hóa giao thông. Tọa đàm ATGT dưới góc nhìn người trẻ với nhiều tiểu phẩm, ý kiến của đoàn viên, thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, hậu quả vi phạm trật tự, ATGT. 

Thông qua hệ thống phát thanh học đường, Đoàn thanh niên các trường cần tích cực phản ánh, phê phán những hiện tượng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Điều đó sẽ góp phần định hướng cho thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông.

Tuổi trẻ Thủ đô nêu cao vai trò xung kích

Liên quan tới vấn đề ATGT, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3823/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền giữ gìn trật tự ATGT, giai đoạn 2022 - 2025.

Đề án nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ đoàn viên, thanh niên đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và tham gia khắc phục ùn tắc giao thông, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục của Đoàn và các tổ chức của thanh niên do Đoàn làm nòng cốt; Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh, thiếu nhi khi tham gia giao thông; Phát huy vai trò xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hà Nội và thanh niên Thủ đô trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông.

Nâng cao trách nhiệm của tuổi trẻ Thủ đô và hiệu quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm nóng thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông; Đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, đảm bảo tất cả đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố đều được tiếp cận các nội dung tuyên truyền pháp luật về ATGT; Xây dựng mô hình, giải pháp, công trình, phần việc gắn với chủ đề hàng năm về ATGT.

Đề án tập trung vào tổ chức các chiến dịch tuyên truyền ATGT theo chủ đề cho đối tượng thanh thiếu nhi Thủ đô. Chiến dịch tuyên truyền trực quan trên các bến xe, nhà ga, các tuyến đường bộ, đường sắt trên cao, đường thủy nội địa. Cùng với đó, tập huấn, tuyên dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên về ATGT; Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông".

Nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu niên tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại các cổng trường học, các bên khách ngang sông, điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, các tuyên đường bộ có khu công nghiệp, kinh tế tập trung; Thành lập và đẩy mạnh hoạt động đội hình Giao thông xanh tham gia đảm bảo trật tự ATGT tại khu đông dân cư, đào tạo nâng cao kỹ năng cho thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông.../.

Đỗ Thêu