Phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng ở Bắc Giang
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:56, 03/10/2022
Tuy nhiên, thế mạnh này chưa được khai thác hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022 - 2030. Mục đích của Đề án nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, kết nối vùng miền và kiến tạo những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách và tạo việc làm cho người dân…
Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh xây dựng khoảng 30 điểm du lịch cộng đồng. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó, khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030, các điểm du lịch cộng đồng có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10.000 khách quốc tế.
Tiềm năng du lịch cộng đồng của Bắc Giang gắn liền với các thế mạnh của tỉnh là các vùng di tích lịch sử - văn hóa, vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, vùng làng bản đồng bào dân tộc thiểu số đặc sắc và hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, Bắc Giang chưa hấp dẫn được du khách, nhất là các tour dài ngày, bởi cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ thiết yếu để đáp ứng yêu cầu nghỉ dưỡng, tìm hiểu bản sắc văn hóa… hầu như chưa có. Trong khi đó, khả năng kết nối giữa các vùng, tuyến du lịch là cực kỳ hạn chế; nguồn lực dành cho du lịch cộng đồng thiếu và yếu; cơ chế, chế tài cũng như công tác tuyên truyền, quảng bá còn chưa được quan tâm đúng mức…
Bước đầu giải quyết những khó khăn, Bắc Giang ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương xung quanh, kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng. Tỉnh xây dựng kế hoạch kêu gọi thu hút đầu tư phát triển 5 không gian du lịch gồm: Tây Yên Tử (khu vực phía Đông); Sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí (khu vực Đông Bắc); Không gian du lịch Khởi nghĩa Yên Thế (khu vực Tây Bắc); Không gian văn hóa Quan họ, lịch sử An toàn khu (khu vực Tây Nam); Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng (khu vực trung tâm và phía Nam).
Theo định hướng đó, tỉnh tập trung xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ xây dựng 3 khu du lịch (KDL) có quy mô lớn, gồm: KDL Tây Yên Tử; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch cấp tỉnh như: KDL văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao; KDL sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà; KDL văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà; KDL sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.
Đó là cơ hội vô cùng thuận lợi để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng của Bắc Giang. Một số thử nghiệm tại An Lạc, Đồng Cao, Bản Mậu (huyện Sơn Động), bản Ven, bản Xoan (huyện Yên Thế); làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên); Khe Nghè (huyện Lục Nam); bản Bắc Hoa (huyện Lục Ngạn) thời gian vừa qua cho thấy hiệu quả khá tốt, trở thành một trong những điểm đến của du khách.
Thời gian tới, để phát huy hết tiềm năng du lịch cộng đồng của Bắc Giang, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng có khả năng kết nối vùng, miền; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng; phát triển nhân lực du lịch cộng đồng; xây dựng, phân loại và ưu tiên sản phẩm du lịch đặc thù; phát triển thị trường du lịch, định hướng thị trường khách hàng; tuyên truyền, xúc tiến - quảng bá du lịch cộng đồng; liên kết sản phẩm - thị trường; xây dựng ứng dụng Internet hướng dẫn khách du lịch đến tham quan du lịch cộng đồng tại tỉnh; các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như nâng cấp hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng; giải pháp về môi trường, cảnh quan, an toàn du lịch…/.