Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp
Truyền thông - Ngày đăng : 08:46, 19/10/2022
Chính phủ Việt Nam đã cam kết mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công thương đang triển khai Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây được xem là một trong những trụ cột quan trọng để hướng tới mức phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ.
Trong đó, vai trò quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn đã được các nhà lãnh đạo khẳng định. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ghi nhận: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ban, ngành khác thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên được cơ quan chức năng tập trung thực hiện. Ngoài ra, các hoạt động như thiết kế bền vững, sinh thái cũng được đẩy mạnh. Các loại hàng hóa, sản phẩm thân thiện môi trường được thúc đẩy sản xuất, từ đó phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững…
Một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công thương triển khai, chẳng hạn như mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp. Nhiều mô hình về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được triển khai, nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Bộ Công thương, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận từ Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Giai đoạn năm 2021-2022 đã có 24 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động cho Chương trình. Các bộ tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật cũng được xây dựng để áp dụng trong các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững và được tuyên truyền rộng rãi đến các ngành và đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp.
Mới đây, Hội thảo “Kết nối cung - cầu đối với sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp” đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị cùng xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp trong thời gian tới.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 -2030. Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu cho các sản phẩm trung gian của chuỗi sản xuất, thúc đẩy phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững trong các ngành công nghiệp đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị. Nhiều kinh nghiệm, sáng kiến đã được chia sẻ giữa các đại biểu. Ngoài ra, một số khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững đã được nêu ra và nhận được sự tư vấn, tìm kiếm giải pháp.
Trong khuôn khổ Chương trình, Bộ Công Thương còn tổ chức Triển lãm “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp”. Có gần 20 doanh nghiệp đã tham gia sự kiện.
Thông qua triển lãm, nhiều công nghệ mới được giới thiệu, hứa hẹn đem lại kết quả khả quan khi triển khai tại doanh nghiệp. Sản phẩm trưng bày gồm hàng hóa thân thiện môi trường; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong tiết kiệm năng lượng; giải pháp chuyển đổi số; công nghệ ứng dụng tự động hóa…
Khái niệm kinh tế tuần hoàn vẫn còn mới mẻ nhưng đây là xu hướng tất yếu của thế giới trong phát triển kinh tế bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường./.