Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế

Truyền thông - Ngày đăng : 11:20, 18/10/2022

Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế…

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ảnh VGP

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Các ngân hàng thương mại đánh giá điều hành của Chính phủ và NHNN đã giúp ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế; so với các nước, tỉ giá và lãi suất của Việt Nam có biến động ít, còn lạm phát trong mức Quốc hội cho phép. Đây là cố gắng và kết quả đạt được rất lớn, quan trọng.

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và ban hành kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng ngân hàng thương mại để triển khai chương trình. Đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15 nghìn tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13 nghìn tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng.

Hiện NHNN đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề triển khai Nghị định 31 nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng để nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tích cực thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; đến ngày 25/9/2022 đã đạt hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 7 nghìn tỷ đồng, với khoảng 150 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; phần còn lại là các chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính; cho vay nhà ở xã hội; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước, viện phí,... cũng đạt kết quả tích cực. Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và công tác thanh tra, giám sát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả

Thủ tướng cho biết, ngành ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỉ giá cơ bản ổn định. Ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021).

NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn 7 triệu tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Đến cuối tháng 7/2022, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng.

Hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến tháng 8/2002, giao dịch qua thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 83,7% về số lượng và tăng 33,4% về giá trị.

Huy động nguồn lực tổng hợp tập trung cho các động lực tăng trưởng

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng yêu câu ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt... Phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh…

"Quan trọng là hệ thống ngân hàng phải huy động được nguồn lực trong nhân dân, xã hội, trong nước và ngoài nước để tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội… và thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và đề cao trách nhiệm xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh./.

Giang Nam