62 sản phẩm của 31 chủ thể được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP
Truyền thông - Ngày đăng : 18:10, 15/10/2022
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt 62 sản phẩm của 31 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
Trong đó, các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình là: huyện Tiên Du (15 sản phẩm của 06 chủ thể); huyện Thuận Thành (14 sản phẩm của 08 chủ thể); thành phố Từ Sơn (12 sản phẩm của 04 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (06 sản phẩm của 04 chủ thể)…
Ngoài ra, 2 sản phẩm là thịt sào mắm ruốc PTK và mắm tép chưng thịt PTK của Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam, thị trấn Lim, huyện Tiên Du được tham gia nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố.
Xác định Chương trình sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình sản phẩm OCOP, tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; triển khai 2 mô hình làng văn hoá du lịch; xây dựng 1 trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề; có ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…).
Chương trình OCOP là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...