Thị trường KH&CN phát triển mạnh mẽ sẽ tăng sức cạnh tranh trong cách mạng 4.0
Truyền thông - Ngày đăng : 09:08, 14/10/2022
Doanh nghiệp có nhu cầu lớn về đổi mới công nghệ
Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, thị trường KH&CN luôn được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, phát triển. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đã được ban hành, triển khai nhằm phát triển thị trường KH&CN. Thực tế, thị trường KH&CN Việt Nam bước đầu đã được hình thành, phát triển và đạt được những kết quả nhất định.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhu cầu lớn về đổi mới công nghệ. Vì vậy, giải pháp trọng tâm, lâu dài là phải hoàn thiện thị trường KH&CN để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nêu ra các giải pháp để phát triển, hoàn thiện thị trường KH&CN, trong đó có phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường. Theo đó, sẽ có ba sàn giao dịch công nghệ quốc gia được hình thành và vận hành tại ba miền đất nước Việt Nam. Các sàn giao dịch công nghệ quốc gia sẽ là tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thực hiện nhiệm vụ kết nối cung - cầu; thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, các sàn giao dịch cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, trình diễn, triển lãm, xúc tiến giao dịch sản phẩm KH&CN.
Theo Bộ trưởng, cơ sở dữ liệu dùng chung về thị trường KH&CN cần được đầu tư xây dựng, cũng như đối với cổng thông tin về thị trường KH&CN. Như vậy, việc đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ cũng cần được chú trọng, đồng thời với việc quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hóa, tích hợp dữ liệu. Bên cạnh đó, cần thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH&CN Việt Nam.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ; phân tích xu hướng công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp được hỗ trợ nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động thương thảo, giao dịch, mua bán; hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. "Chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp phụ trợ trong nước sẽ được xây dựng".
Để phát triển thị trường KH&CN, cần hình thành nguồn cung, các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên từ nước phát triển. Hoạt động liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với thị trường hàng hóa, lao động, tài chính cần được quan tâm.
Thực tế, để góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thị trường KH&CN chỉ phát triển thực sự khi hình thành sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhanh chóng được thương mại hóa. Vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện, trường cho các doanh nghiệp có thể coi là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KHCN, nhằm nâng cao trình độ KHCN ở Việt Nam.
Chính sách ưu đãi phát triển thị trường KH&CN
Tuy nhiên, so với một số thị trường khác, thị trường KH&CN vẫn phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, thị trường KH&CN chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học, công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết trong 5 năm vừa qua, ngân sách nhà nước đã đầu tư khoảng 82.700 tỷ đồng cho lĩnh vực KH&CN, tăng hơn 2,1 lần so với giai đoạn trước.
Mặc dù được sự quan tâm lớn, song việc huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế. Tính hạn chế này thể hiện ở cả những công tác huy động nguồn lực xã hội hóa cho thị trường KH&CN. Hiện nay, hầu như nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như nguồn lực của một số doanh nghiệp, còn một số nguồn lực khác như nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước thì còn hạn chế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng trong thời gian tới, thị trường KH&CN cần huy động đa dạng nguồn lực, cả nguồn lực từ thị trường chứng khoán, thông các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực KH&CN và các sản phẩm KH&CN.
Ngoài ra, các chính sách thuế cũng sẽ góp phần phát triển thị trường KH&CN. Về cơ bản, thị trường đã có nhiều ưu đãi giảm thuế, kể cả thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Trong chiến lược thuế đến năm 2030, lĩnh vực KH&CN cũng tiếp tục có những ưu đãi về thuế.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư và xin ý kiến của các bộ, ngành để hướng khuyến khích thành lập, huy động nguồn lực từ các quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp cho lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang phát triển dựa trên 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, nguy cơ suy thoái trên toàn cầu gây ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Các quốc gia đều phải có các công cụ để can thiệp, điều hành, kiểm soát rủi ro của nền kinh tế.
Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương phát triển đất nước bằng khoa học công nghệ. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Các sàn giao dịch công nghệ quốc gia sẽ được kết nối với các trung tâm ứng dụng. Ngoài ra, vấn đề chuyển giao tiến bộ KH&CN ở các địa phương cũng sẽ được chú trọng. Việt Nam sẽ phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ….
Do vậy, thị trường KH&CN phát triển mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.