Thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh cho nông nghiệp Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 10:50, 11/10/2022

Nền nông nghiệp xanh sẽ có mức phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cho nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm của Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt luôn bảo đảm nhiệm vụ nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, không chỉ trong nông nghiệp mà ở cả các lĩnh vực khác. Đối với Việt Nam, nền nông nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển xanh. Để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững của Việt Nam, đúng như những gì đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. 

Trong Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu chung đặt ra là phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Nền nông nghiệp xanh sẽ có mức phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Kế hoạch hành động cũng đặt mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.

Dù có nhiều thuận lợi và đạt mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua, song ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổn thất sau thu hoạch còn cao… gây ra các rủi ro, nguy hại đối với môi trường.

Chính vì thế, để có thể hoàn thành các mục tiêu, Kế hoạch hành động cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể, ngắn hạn như ngành nông nghiệp phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,5-3%/năm. Trong các phương thức sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp, các đơn vị sản xuất luôn phải nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Một số giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra để ngành nông nghiệp thực hiện, nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động. Về mặt quản lý, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái. Sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển xanh - sạch - an toàn - bền vững. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng lối sống xanh, tiêu dùng bền vững. Nguồn nhân lực sẽ được đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cho nông nghiệp

Ngoài những giải pháp như trên, Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới nhằm đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật… vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp ngành nông nghiệp đối với với nhiều thách thức, khó khăn về biến đổi khí hậu, bão lũ, dịch bệnh, lưu lượng nước ngọt giảm không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích đất. Theo phân tích của các chuyên gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu Data Analytics vào phân tích và quản lý, người dân sẽ được cảnh báo sớm về những rủi ro thiên tai, thời tiết, từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời.

Các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp: Big Data, công nghệ sinh học sẽ giúp bạn phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như lượng phân bón, thời gian canh tác, phụ thuốc bảo vệ thực vật,…

Thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh cho nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới nhằm đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân trước những biến động của thiên tai, thời tiết, chuyển đổi số cũng giúp ngành nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Điều này đã được chứng minh thực tế trong thời gian dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương đã xúc tiến mua bán nông sản qua các kênh thương mại điện tử. 

Một vài vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Thực tế, nhiều địa phương thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, liên kết chuỗi giá trị mà còn thể hiện ở việc thay đổi phương thức quản trị hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thể điều hành hiệu quả, tăng năng suất tại các bộ phận back off và tiết kiệm chi phí.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Ngoài nỗ lực chuyển đổi số, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho việc học hỏi kinh nghiệm canh tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, một giải pháp nữa được Bộ  Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề cập là huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh. 

Trong quá trình tăng trưởng và phát triển, ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng xanh được xây dựng để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Các hoạt động về nông nghiệp xanh cũng sẽ được đẩy mạnh thông qua kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh./.

TC