Thúc đẩy thương mại các sản phẩm, hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Truyền thông - Ngày đăng : 16:25, 10/10/2022
Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tầm quan trọng của khu vực này luôn được chú ý, trong đó nền thương mại hàng hóa và dịch vụ tại các khu vực này luôn được hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao đời sống người dân địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội.
Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Quyết định số 1162/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/7/2021 đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 được đánh giá có nhiều điểm mới, với những nội dung, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước.
Cụ thể, Chương trình đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm thúc đẩy xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo; tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Triển khai Chương trình, nhiều hoạt động đổi mới đã được Bộ Công Thương thực hiện nhằm hỗ trợ, kết nối các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phát triển thương mại. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ban ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án, nhiệm vụ triển khai Chương trình hiệu quả.
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” đã được tổ chức. Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động thuộc Chương trình được Bộ Công Thương triển khai trong năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, việc tổ chức Diễn đàn kinh tế kết nối hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo sẽ góp phần vào việc tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn lực duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động.
Nhiều kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được chia sẻ tại Diễn đàn, truyền cảm hứng cho các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
5 năm gần đây, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã chứng kiến từng bước thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo các vùng khó khăn đã giảm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đáng kể. Hướng sản xuất hàng hóa đã được một số vùng áp dụng nhằm phát triển thương mại. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn thực hiện nhiều Chương trình hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,… tại khu vực này.
Để thực hiện thành công Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 1162/QĐ-TTg, các đại biểu, diễn giả đã đóng góp ý kiến và đề xuất phương hướng, mục tiêu và giải pháp. Những vấn đề như huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được đưa ra bàn thảo, góp ý, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đặc sản; kết nối tiêu thụ, thúc đẩy chuyển đổi số. Các doanh nghiệp khởi nghiệp của địa phương cũng sẽ nhận được các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế…
Hoàn thiện khung pháp để khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa
Doanh nghiệp miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo gặp không ít vướng mắc khi thực hiện thương mại hóa hàng hóa đặc sản của địa phương và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu. Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn cũng đề xuất các giải pháp để gỡ khó, giúp các địa phương phát triển thương mại, lưu thông hàng hóa. Các hoạt động nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong thời gian tới, các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nắm bắt và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển. Khung pháp lý sẽ được hoàn thiện dần để sản xuất được khuyến khích phát triển, hàng hóa được lưu thông, đặc biệt là những sản phẩm thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ nỗ lực để các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo có định hướng phát triển bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa được nâng cao. Để đạt mục tiêu, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực và kết nối thị trường sẽ được tổ chức dành cho các thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa qua biên giới.
Ngoài xuất khẩu, thương mại và lưu thông hàng hóa của các địa phương cũng sẽ được chú trọng ở mảng trong nước. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối, nhằm phục vụ sản xuất và tiêu dùng, lưu thông hàng hóa trên các kênh tiêu thụ trong nước.
Là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trong đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
Ngoài những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các địa phương hàng năm bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đặt ra đến năm 2025 sẽ đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực sẽ được ưu tiên phát triển. Ngoài ra, Chương trình khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10% trong giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình cũng sẽ xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ; phấn đấu đến 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế về biển đảo…./.