Nhiều hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 10:21, 10/10/2022

Nông sản Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn từ hoạt động xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên có các hoạt động phối hợp, tăng cường xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 

Theo thông tin từ buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong 9 tháng vừa qua, đặc biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực. 5 mặt hàng có thặng dư thương mại 9 tháng cao nhất là gỗ, tôm, cà phê, gạo và cá tra. Cụ thể, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tôm đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 24%; cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 98%; gạo đạt hơn 2 tỷ USD tăng 15%; mặt hàng cá tra đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 82%.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 40,8 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng nông sản và lâm sản chính, thủy sản đều tăng. Đến nay đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. 9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đang hướng tới mục tiêu sẽ đạt trị giá 50 tỷ USD trong năm nay. Để đạt mục tiêu đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của các ngành nông lâm thủy sản, như đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Bộ sẽ triển khai hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản, có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài mục tiêu xuất khẩu, ngành nông nghiệp cũng tập trung phát triển thị trường trong nước bằng cách đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm. Một nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp là bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường nhằm bình ổn giá lương thực; đồng thời phấn đấu để ngành nông nghiệp đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm nay, dù 3 tháng cuối năm ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết nông sản Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn từ thị trường nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên có các hoạt động phối hợp, tăng cường xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. 

Với sự thích ứng kịp thời về cơ cấu sản phẩm và thị trường, Việt Nam vẫn sẽ đạt giá trị kim ngạch 50 tỷ USD như Chính phủ giao. Thực tế, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, năm 2022, xuất khẩu nông sản phấn đấu cán đích con số 55 tỷ USD (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để đạt mục tiêu trên, Bộ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị cao để bù cho những sản phẩm có thể không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Nhiều hướng đi mới cho doanh nghiệp nhờ Hiệp định EVFTA

Một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU). Kết quả xuất khẩu của nông nghiệp trong 9 tháng qua sang EU đã cho thấy điều này. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng gần 15%, đạt khoảng 83 tỷ USD. Riêng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang EU đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11%.

Thống kê cho thấy các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao. Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã mở ra cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam một thị trường lớn, giúp các doanh nghiệp có những chuyển biến lớn về chất. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm có giá trị gia tăng cao hơn.

Nhiều hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

Tôm là một trong những sản phẩm của Việt Nam được ưa thích trên thị trường thế giới

Thị trường EU cũng đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Hiệp định EVFTA mang lại một hướng đi mới cho nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ không chỉ phải cạnh tranh bằng giá cả, số lượng, mà còn phải chú trọng vấn đề chất lượng và giá trị gia tăng.

Điều đó cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đáp ứng tốt thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững thị trường này.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về những yêu cầu của thị trường châu Âu nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Vì với việc ký kết các hiệp định thương mại, hàng rào thuế quan sẽ hạ xuống, nhưng những vấn đề về tiêu chuẩn, kỹ thuật và chất lượng sẽ là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý. Đặc biệt hiện nay châu Âu luôn chú trọng và ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất có các quy trình công nghệ xanh hơn, giảm phát thải, nước thải và tiết kiệm năng lượng. 

Nâng cao hoạt động xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam 

Việt Nam hiện là 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Nông sản Việt cũng đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những con số phần nào cho thấy nông sản Việt đã có thương hiệu và được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trên thị trường thế giới, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa. Những sản phẩm đã có thương hiệu và được bảo hộ thương hiệu sẽ có giá trị và thuận lợi hơn trên thị trường xuất khẩu. Không những thế, hoạt động xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam cũng giúp tránh những tình huống cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ, như bị thương gia, doanh nghiệp của nước ngoài giả mạo hoặc đăng ký mất thương hiệu. 

Thực tế cho thấy, nếu sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu sẽ không chỉ mang lại cho sản phẩm đó, doanh nghiệp đó sự phát triển ổn định và bền vững, giúp người tiêu dùng thế giới định vị về thương hiệu sản phẩm trong tâm trí, đồng thời giá trị nông sản cũng sẽ gia tăng

Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho thấy giá trị của những nông sản xuất khẩu có thương hiệu riêng sẽ gia tăng từ 200 - 300%, thậm chí có nông sản giá trị tăng đến 500%.

Ngoài sự nhận thức, hiểu biết và hành động của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngành hàng cũng sẽ giúp xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản xuất khẩu.

Hiện nay, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có các chương trình hợp tác hỗ trợ bảo hộ cho các nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.  Theo ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong trường hợp có tranh chấp, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình. Khi đủ tiềm lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng thương hiệu riêng tại thị trường./.

PV