Nền tảng fintech Fundiin giúp gỡ bỏ gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 06:08, 24/10/2022
Ra đời để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính tốt
Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố vào tháng 9/20202, năm 2021, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Còn trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 20% và đạt 16,4 tỷ USD.
Dù quy mô thị trường tăng trưởng nhanh như vậy, nhưng năng lực tài chính của phần đông người tiêu dùng Việt vẫn chưa theo kịp tiềm năng thị trường đó, khi chỉ có 30% người Việt có thẻ ngân hàng, và 4,7% dân số của thẻ tín dụng (con số này là 13% trên toàn Đông Nam Á).
Người tiêu dùng trẻ tuổi cũng đang có xu hướng tìm kiếm các giải pháp mua sắm mới tiện lợi, giúp họ mua hàng nhanh hơn và giảm áp lực tài chính. Về phía người bán, trước áp lực cạnh tranh cao trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử, người bán hàng cũng tìm kiếm các giải pháp mới để thu hút khách hàng.
Nhằm giải quyết nhu cầu thị trường này, Fundiin ra đời với mục tiêu cung cấp những sản phẩm tài chính tốt, chất lượng cao tới nhóm người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính hoặc tiếp cận ở mức độ hạn chế. "Các sản phẩm cho vay đã mang tiếng xấu từ rất lâu trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, và được xem như là những chiếc bẫy nợ, khiến nhiều người tiêu dùng trở nên nghèo túng hơn và mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần. Người tiêu dùng Việt Nam đang rất cần một sản phẩm như Fundiin, được xây dựng để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn và thực sự bảo vệ quyền lợi của họ", đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Fundiin Nguyễn Ảnh Cường cho biết.
Được thành lập vào năm 2019 bởi CEO Nguyễn Ảnh Cường, cựu Giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Holding và CTO Võ Hoàng Nam, cựu Trưởng bộ phận Công nghệ các dự án Ngân hàng số TPBank, Fundiin hiện là startup đi đầu cung cấp giải pháp BNPL.
Hình thức này giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng, nhất là những người chưa tiếp cận những giải pháp chi tiêu của ngân hàng như thẻ tín dụng. Nền tảng hỗ trợ thanh toán giúp người dùng có thể mua sản phẩm ngay lập tức, chia đều khoản mua sắm thành 3 khoản nhỏ, khoản đầu tiên được trả ngay khi mua hàng, số tiền còn lại trả dần trong 2 tháng, mỗi tháng một nửa, và được miễn phí (không lãi suất) nếu người dùng thanh toán đúng hạn. Khách hàng không cần phải tải ứng dụng về điện thoại, và chỉ với thẻ CCCD, số điện thoại cùng một vài thao tác đơn giản, mọi người đã có thể sử dụng thành công dịch vụ thanh toán của Fundiin chỉ trong vòng 1 phút.
Fundiin hiện có 3 sản phẩm BNPL miễn lãi và miễn phí gồm: trả sau 3 kỳ hàng tháng; trả sau 30 ngày; thanh toán định kỳ tự động. Fundiin đã hợp tác với hơn 300 đối tác có hơn 4.000 địa điểm kinh doanh.
Giới đầu tư cũng không nhiều người tin vào khả năng thành công của Fundiin tại Việt Nam bởi rủi ro nợ xấu quá cao. Mặc khác, Việt Nam cũng không có hệ thống thông tin tín dụng phát triển như các quốc gia khác. Mặc dù vậy, Nguyễn Ảnh Cường vẫn tin tưởng vào con đường mà anh và công ty của mình đang theo đuổi. Không thuyết phục được nhà đầu tư bằng lời nói, anh triển khai và chứng minh bằng con số. Cường cho biết Fundiin đã có được lợi nhuận từ giải pháp này.
Nhưng chặng đường phía trước của BNPL nói chung và Fundiin nói riêng còn rất dài. Để BNPL thực sự trở nên phổ biến, Nguyễn Ảnh Cường cho rằng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thay đổi hành vi và nhận thức của người tiêu dùng.
"Phải làm sao để khách hàng có thể sử dụng giải pháp thanh toán này lần đầu tiên, khi họ thấy dễ sử dụng rồi thì họ sẽ sử dụng lần thứ hai", anh Cường nói.
Sau Fundiin, mô hình BNPL bắt đầu trở thành xu hướng tại Việt Nam từ năm 2020, thu hút nhiều startup từ nước ngoài nhảy vào với những cái tên nổi bật như Reepay, Atome, Kaypay,... trong bối cảnh thị trường còn không gian rất rộng để các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng chưa được tiếp cận tới các dịch vụ tài chính của ngân hàng.
Mới đây, Fundiin đã thông báo việc nhận đầu tư series A được dẫn dắt bởi ThinkZone Ventures và Trihill Capital. Số tiền này sẽ được dùng để mở rộng với tốc độ nhanh hơn, đầu tư phát triển các sản phẩm mới, trước khi mở rộng thị trường sang Indonesia ở vòng series B sắp tới.
Chia sẻ về tầm nhìn của Fundiin, Nguyễn Ảnh Cường khẳng định, mang đến sự tự do tài chính cho người tiêu dùng, mua trước trả sau chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo Fundiin sẽ tiếp tục mang đến một số app dịch vụ tài chính nữa, đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân Việt Nam. Hiện Fundiin cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tới một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, dự kiến triển khai trong thời gian ngắn sắp tới.
3 lý do khiến ThinkZone Ventures quyết định đầu tư vào Fundiin
Mới đây, chia sẻ trên trang blog trong chuỗi bài "Why we invest", ThinkZone Ventures đã chia sẻ về lý do đặc biệt khiến quỹ đầu tư này đánh giá cao cơ hội thị trường đầy rộng mở dành cho mô hình này và quyết định đầu tư vào Fundiin. Thông qua việc đưa dưa mô hình BNPL về Việt Nam từ 2019, Fundiin đã chứng minh được năng lực kinh doanh của mình, thể hiện qua 3 yếu tố then chốt với sự thành công của mô hình này. "Đây cũng là 3 lý do thuyết phục ThinkZone Ventures đầu tư đầu tư vào Fundiin, dẫu mô hình BNPL đang nhận được nhiều hoài nghi trên thế giới", thông tin từ ThinkZone Ventures khẳng định.
Đầu tiên là khả năng thu hút người dùng, với triết lý xây dựng sản phẩm đề cao trải nghiệm khách hàng đơn giản, tiện lợi, không yêu cầu người dùng phải cài đặt ứng dụng Fundiin đã giúp startup tăng trưởng người dùng nhanh chóng, tăng tỷ lệ mua hàng thành công.
Tiếp theo, khả năng thu hút nhà bán hàng. Fundiin hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng đối tác là các nhà bán lẻ, thương hiệu lớn cả online và offline. Không chỉ giúp Fundiin gia tăng thêm tập khách hàng của các nhà bán hàng lớn, mà còn tạo niềm tin và hợp tác thêm với nhiều chuỗi bán hàng khác. Fundiin hiện đã hợp tác với hơn 300 đối tác với hơn 4,000 cơ sở. Gần đây, Fundiin kết nối được với những tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, Điện máy XANH, Unilever, Galaxy, Vuanem,... nhằm giúp nền tảng này nâng tổng người dùng lên hơn 5 lần, tổng giao dịch GMV lên hơn 7 lần so với vòng gọi vốn 1 năm trước.
Cuối cùng, đó là khả năng kiểm soát nợ xấu. Theo ThinkZone Ventures, với mô hình mua trước trả sau, Fundiin phải trả tiền cho nhà bán hàng và thu dần tiền từ người mua hàng sau 2 tháng. Do đó, kiểm soát nợ xấu là bài toán then chốt để các công ty BNPL có thể đảm bảo được lợi nhuận trong dài hạn, quyết định đến sự thành bại của công ty. Fundiin hiện đang áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất như trí tuệ nhân tạo, học máy và tự phát triển thuật toán đánh giá rủi ro để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, giữ lợi nhuận ròng giao dịch (Net Transaction Margin) của mô hình luôn dương.
Không chỉ đặt niềm tin vào thị trường và mô hình, ThinkZone Ventures còn đặt kỳ vọng về chính năng lực của đội ngũ sáng lập. Nguyễn Ảnh Cường với kinh nghiệm đầu tư tại VinaCapital, cũng từng sáng lập Lendiz - nền tảng cho vay vốn để mua xe máy - với nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp và kiểm soát tín dụng. Còn Võ Thành Nam, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ đã có kinh nghiệm phát triển sản phẩm hàng chục triệu người dùng tại các công ty lớn như MoMo, VNG Corporation và Techcombank. Những kinh nghiệm tích lũy này có thể giúp cho Fundiin có đủ khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
"Đồng hành cùng Fundiin trên hành trình thực hiện sứ mệnh gỡ bỏ gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng, quỹ sẽ mang tới những nguồn lực lớn về đối tác và vốn đầu tư nhằm hỗ trợ Fundiin phát triển mạnh mẽ trong tương lai", thông tin từ ThinkZone Ventures khẳng định./.