Bắc Giang xây dựng ĐTTM để ứng dụng rộng rãi các thành tựu CMCN 4.0

Chính phủ số - Ngày đăng : 22:58, 22/10/2022

Trong Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Giang xác định rõ xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Bắc Giang nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) và thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Xây dựng IOC phục vụ quản lý quy hoạch, quản lý đô thị hiệu quả

Với Đề án xây dựng và phát triển thành phố Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang đang tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển đô thị. Các chương trình này sẽ giúp Bắc Giang hoàn thiện các tiêu chí về đô thị loại II, phấn đấu tiếp cận các tiêu chí của đô thị loại I. Đặc biệt, chương trình cũng nhằm xây dựng thành phố Bắc Giang theo hướng đô thị xanh - thông minh.

Hiện nay, cùng với tích cực triển khai xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM (IOC), thành phố Bắc Giang đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM. Thành phố đã hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, đèn tín hiệu giao thông với 33/33 camera giám sát an ninh. Ngoài ra, thành phố cũng đã lắp đặt, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng trên 122 tuyến đường; xây dựng các điểm WiFi miễn phí…

Hướng tới xây dựng đô thị xanh - thông minh, ông Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cho biết hiện nay thành phố đang triển khai xây dựng ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) GIS quy hoạch đô thị tích hợp hệ thống thông tin điện tử và tích hợp vào phầm mềm bản đồ dùng chung của tỉnh phục vụ công khai quy hoạch.

"Bắc Giang đang triển khai Kế hoạch phát triển thành phố Bắc Giang theo hướng đô thị xanh - thông minh. Trong đó, Bắc Giang xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM để phục vụ quản lý quy hoạch, quản lý đô thị hiệu quả", ông Đặng Đình Hoan nói.

Mới đây, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia, Bắc Giang và công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã chính thức ra mắt kho dữ liệu số của tỉnh. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, nằm trong kế hoạch xây dựng chính quyền số giai đoạn 2022 - 2025.

Kho dữ liệu số là hệ thống tích hợp dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc từ các nguồn dữ liệu người dân, doanh nghiệp (DN) và chính quyền đô thị. Đồng thời, đây cũng là công cụ hỗ trợ việc quản lý, hoạch định dữ liệu đô thị; hình thành các CSDL dùng chung; khai phá hình thành các dữ liệu giá trị gia tăng; hình thành hệ sinh thái dữ liệu chính quyền - người dân - DN đô thị thông qua cơ chế cung cấp, chia sẻ và đóng góp dữ liệu.

Sự kết hợp giữa quy hoạch dữ liệu và kho dữ liệu số sẽ là bộ giải pháp tổng thể, toàn diện của FPT IS, đồng hành cùng các tỉnh trong công tác CĐS và phát triển ĐTTM.

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty FPT-IS, cho biết kho dữ liệu số sẽ góp phần xây dựng nền tảng dữ liệu cốt lõi cho nền tảng ĐTTM, tiến tới hình thành chính phủ số Bắc Giang, từ đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, công dân số trên địa bàn tỉnh.

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thông minh, nâng cao giá trị gia tăng

Trong Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Giang xác định rõ xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Bắc Giang nhằm ứng dụng rộng rãi CNTT và thành tựu của CMCN 4.0.

Những nỗ lực này sẽ tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

Đồng thời, Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang cũng sẽ góp phần cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và DN, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đề án ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ĐTTM; xây dựng các Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) của UBND tỉnh và các ngành Y tế, Giáo dục, Công an và thành phố Bắc Giang; xây dựng, tích hợp các ứng dụng phục vụ việc quản lý điều hành; xây dựng các ứng dụng phục vụ người dân, DN; xây dựng hạ tầng dữ liệu của tỉnh, đồng thời ưu tiên tích hợp các CSDL hiện có của các ngành: Kế hoạch - Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an tỉnh... vào Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, Bắc Giang sẽ xây dựng hoàn thiện hạ tầng CNTT, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu triển khai ĐTTM, CĐS, chính quyền điện tử, chính quyền số; tiếp tục phát triển các hệ thống CSDL tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch, đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, du lịch, lao động, nông nghiệp, công nghiệp… phục vụ người dân và DN; Xây dựng thành công ĐTTM.

Trong hội nghị giao ban Ban chỉ đạo CĐS tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) CĐS tỉnh cho biết hiện nay kho dữ liệu số tỉnh đã được đưa vào sử dụng và Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Ngoài ra, có 15 nền tảng số quốc gia được lựa chọn triển khai trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Bắc Giang: Xây dựng ĐTTM để ứng dụng rộng rãi các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thường trực Mai Sơn cho biết Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.

TP Bắc Giang đang tập trung xây dựng ĐTTM, phấn đấu đến năm 2025 có chỉ số về ĐTTM đứng trong tốp 10 các thành phố trực thuộc tỉnh trong cả nước.

Trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 2,5 - 3%. Nền nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Bắc Giang: Xây dựng ĐTTM để ứng dụng rộng rãi các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

Bắc Giang sẽ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản./.

Đỗ Thêu