Kết nối cung cầu để tăng giá trị cho đặc sản miền núi, hải đảo

Hội nhập - Ngày đăng : 20:02, 24/10/2022

Việt Nam có nhiều sản phẩm của miền núi, hải đảo rất có tiềm năng phát triển nhưng ít người biết tới do công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng... Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa cho khu vực này cần phải được quan tâm hơn nữa.

Khâu quảng bá chưa được đặt đúng vị trí

Trong những năm gần đây, nhờ triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hoạt động kinh tế thương mại, sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể góp phần giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm cho người dân. Đồng thời, đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Việc quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo đã góp phần hình thành, định hình vùng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Đặc biệt, từ một tỉnh yếu về lĩnh vực nông sản, Sơn La đã tập trung nhiều giải pháp và hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản. Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm. Sản phẩm trái cây của tỉnh Sơn La đa dạng, phong phú, như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn...

Tuy nhiên, nhận diện trực tiếp, câu chuyện của Sơn La hay các thương hiệu như xoài, vải, nhãn... ở nước ta là chưa nhiều. Dù có nhiều sản phẩm tiềm năng thương mại lớn nhưng khó khăn, bất cập trong phát triển thương mại miền núi, hải đảo hiện nay là sự khan hiếm vật liệu phục vụ sản xuất. Đồng bào dân tộc thiểu số cả nước là hơn 14 triệu người, quy mô 3,35 triệu hộ. Thu nhập bình quân người lao động ở khu vực này chủ yếu từ nông nghiệp nên rất thấp, chỉ đạt 1,1 triệu đồng /người/tháng, bà con chưa nghĩ nhiều đến chuyện giao thương buôn bán quy mô lớn nên chỉ có thể sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, vật liệu sản xuất không bắt kịp nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ sản xuất (cụm, khu công nghiệp) và hạ tầng kết nối (đường sá, hạ tầng công nghệ internet, tivi…) còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tất cả các làng nghề đều sản xuất tại hộ gia đình nên rất khó để phát triển thành vùng hàng hóa lớn. Các làng nghề vẫn sử dụng phương pháp thủ công nên số lượng sản phẩm đạt được còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề, vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo còn yếu.

Những đặc sản chưa có thương hiệu riêng, chất lượng an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh việc vận chuyển tiêu thụ khó khăn do chưa có cơ chế phối hợp phân phối. Trong khi đó, sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng còn lạc hậu, đa số theo ông cha truyền lại mà chưa có những sản phẩm thiết kế mới, hiện đại, phù hợp để quảng bá trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, hiện nay, việc đa dạng hóa, mẫu mã sản phẩm là công tác cực kỳ quan trọng nhằm giúp sản phẩm không những thu hút được người tiêu dùng trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Phát triển thương mại cho đặc sản miền núi, hải đảo - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền núi, hải đảo có tiềm năng phát triển như tỏi Lý Sơn, xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã...

Sẽ có chính sách khuyến khích thương nhân phát triển tại miền núi, hải đảo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.

"Bộ sẽ đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong cả giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9-11% hằng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8-10% số lượng thương nhân, doanh nghiệp này.

Bên cạnh việc kết nối doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất - người tiêu dùng, cần tập trung là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, nông sản có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ đặc sản vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Hiện nay, do việc sản xuất được thực hiện tại các buôn, bản làng, vùng sâu vùng xa nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, đặc biệt kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử cũng không dễ dàng. Vì vậy, cần có sự tập huấn từ các bộ, sở ngành địa phương để nâng cao năng lực xúc tiến cho các hộ nông dân, hợp tác xã. Mặt khác, cần tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, bởi đây là hồn cốt của làng nghề truyền thống, nhất là những làng nghề đang dần bị mai một, thất truyền.

Số lượng người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết còn khiêm tốn, lao động qua đào tạo chỉ 10% vì vậy chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực này cần được đầu tư, nâng cao. Cần tập trung đào tạo nâng cao tay nghề lao động để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Phòng tiểu thủ công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cần phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng. Khi đã có nguồn hàng, dồi dào, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng thì cần đẩy mạnh phát triển thương mại. "Giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối cung cầu hàng hóa dịch vụ nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản miền núi. Các hoạt động kết nối cần được triển khai từ Trung ương tới địa phương, từ Sở Công thương đến các hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, cần xây dựng thêm cơ sở dữ liệu thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục có tính điều phối vùng miền", bà Phương đề xuất./.

PV