Logistics Việt Nam: Muốn "chuyển mình" phải áp dụng công nghệ

Hội nhập - Ngày đăng : 19:21, 24/10/2022

Ngành công nghiệp logistics Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 14% - 16% nhờ những nỗ lực cũng như những cơ hội đến từ các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử bùng nổ thời gian qua.

Ngành logistics phục hồi mạnh mẽ

Ngành công nghiệp logistics Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành mắt xích quan trọng cho các hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước. Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 là 557,93 tỷ USD. Sự đóng góp của ngành logistics đã phần nào cùng kiến tạo nên kết quả này.

Theo thông tin được đưa ra tại Diễn đàn: “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển” mới tổ chức hôm 19/10 tại TP. HCM, bảng xếp hạng của Agility 2022 cho thấy Việt Nam có thị trường logistics đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường logistics Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2027 ước tính sẽ đạt mức 5,5%. Sau đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp logistics Việt Nam đang phát triển, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước. GDP Việt Nam sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, ngành công nghiệp logistics Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 14% - 16% trong thời gian vừa qua. Đây là mức tăng trưởng rất cao so với bình quân thế giới từ 4% - 5%. Ông Khoa cho rằng kết quả này có được là do bản chất của ngành dịch vụ logistics luôn gắn liền với các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại nội địa. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2022 đã đạt nhiều thành tựu tích cực với kim ngạch xuất nhập khẩu cao. Ngoài ra, những công nghệ mới cùng với làn sóng bùng nổ của thương mại điện tử cũng đã mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành logistics.

Dự báo, thị trường kho bãi sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm và trong những năm tới, do nhu cầu của các nhà sản xuất kinh doanh, cũng như sự phát triển của thương mại điện tử. Hơn nữa, cơ hội tăng trưởng của nhiều ngành nghề trong nền kinh tế đang rất lớn. Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhấn mạnh hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2024 -2025 được dự báo sẽ tăng lên từ 15% - 20% thậm chí là 50%. Trong khi đó, ước tính thương mại điện tử cứ đạt 1 tỷ doanh thu sẽ cần thêm 92.000 diện tích kho bãi. 

Như vậy, để đón đầu cơ hội phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu này của thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics cần bắt kịp 2 xu hướng quan trọng. Thứ nhất là tự động hóa và công nghệ. Amazon, hãng dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu thế giới, đã thành công nhờ áp dụng mạnh mẽ các công nghệ, trong đó có nhiều công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay robot. Vấn đề thứ hai các doanh nghiệp logistics cần quan tâm là kho trữ lạnh. Bởi vì, sau dịch COVID-19, các thị trường, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới có nhu cầu cao hơn về mua sắm trực tuyến các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm như rau củ quả, thuốc men. Và vấn đề an toàn chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm, rất được chú ý.

Ngành logistics Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, dịch vụ logistics là một ngành trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội của đất nước. Dù vậy, để khai thác hết cơ hội cũng như bắt kịp với nhịp độ phát triển của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp logistics cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thực hiện chiến lược chuyển đổi số để bứt phá. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng trong tư duy và nhận thức cũng như năng lực tiếp nhận đổi mới sáng tạo và nguồn tài chính.

Nhiều dịch vụ đặc biệt đã phát sinh trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Điều này vừa mang đến cơ hội vừa mang lại thách thức. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Chẳng hạn, thương mại điện tử phát triển mang lại cơ hội cho logistics nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa. Đối với ngành công nghiệp logistics, áp lực về giảm phát thải carbon đã hình thành nên những hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như "Green logistics". Điều này cũng đặt ra bài toán kinh doanh mới cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề như tính chuyên nghiệp, tự động hoá để có thể tiếp cận được các nước tiên tiến. Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế.

Logistics xanh tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm

“Green Logistics” hay còn gọi là logistics xanh hay là một khái niệm nói về các hoạt động hậu cần, vận chuyển hàng hóa, logistics giảm thiểu tác động lên môi trường sinh thái. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp logistics cần sử dụng những công nghệ tiên tiến để giảm tình trạng ô nhiễm như ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và giảm lượng rác thải ra môi trường.

Logistics Việt Nam đang chuyển mình phát triển - Ảnh 1.

Việc triển khai logistics xanh nói chung trên toàn thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL, cho rằng điều kiện thời tiết những năm gần đây có nhiều bất thường do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những vấn đề này đều ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống dân sinh của mọi người. Vì thế, việc triển khai logistics xanh nói chung trên toàn thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó Tân Cảng Sài Gòn cũng không phải ngoại lệ.

Nhận thức rõ trách nhiệm cũng như thách thức đó, Tân Cảng Sài Gòn đã sớm triển khai hệ thống xà lan kết nối, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp doanh nghiệp duy trì toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng ở các khu vực, các nhà máy đến khu vực cảng. 

Cũng để thực hiện chủ trương chuyển dịch đến logistics xanh, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang từng bước điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh, hướng đến sử dụng các công nghệ xanh cho ngành vận tải hàng hải. Những chiến lược xanh được các doanh nghiệp vận tải thực hiện như đầu tư các hệ tàu mới Eco Ship thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải, tiết kiệm nhiên liệu. 

Việc sử dụng công nghệ xanh cho các đội tàu cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp logistics thích ứng tốt hơn trước những diễn biến của giá nhiên liệu. Những chiến lược dịch chuyển này nhằm đưa các doanh nghiệp dịch vụ logistics tận dụng thế mạnh của quốc gia, chủ động đưa hàng hóa của các DN Việt Nam đi các thị trường, đáp ứng yêu cầu mới về tăng trưởng xanh. 

Logistics xanh nhằm mục đích tạo ra các giá trị bền vững cho doanh nghiệp, song song đó là phát triển kinh tế và việc bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia có kinh nghiệm, logistics xanh đòi hỏi  phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp cùng với cộng đồng. Hiện nay trong quá trình dịch chuyển, doanh nghiệp logistics vẫn gặp một số trở ngại cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý, đặc biệt là những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến nền logistics xanh.

Việt Nam được đánh giá có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đội tàu vận tải biển tương xứng giúp doanh nghiệp logistics trong nước tận dụng các cơ hội hội nhập đang mở ra./.

Trần Cao