Tiềm năng phát triển của ngành hàng hải Việt Nam

Hội nhập - Ngày đăng : 14:38, 23/10/2022

Ông Kitack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế mong muốn trong thời gian tới sẽ triển khai các cơ chế hợp tác với ngành hàng hải Việt Nam.

Ngành Hàng hải đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển qua đường vận tải biển. Không chỉ xuất nhập khẩu, nhiều hàng hóa tới các vùng miền trong nước cũng được vận chuyển qua đường biển. Vận tải biển được xem là huyết mạch chính trong hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hóa của nền kinh tế.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Vùng biển và thềm lục địa Việt Nam chứa đựng nhiều tài nguyên và tiềm năng phong phú, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Bờ biển Việt Nam với nhiều cửa ngõ thông thương và gần các tuyến hàng hải quốc tế, tạo lợi thế lớn cho chiến lược phát triển kinh tế biển.

Xác định được tầm quan trọng của ngành hàng hải, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, tận dụng lợi thế và khai thác tối đa tiềm năng của biển cho sự phát triển của đất nước. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, trên cơ sở phát huy lợi thế tiềm năng của một quốc gia ven biển. 

Định hướng phát triển ngành hàng hải nhằm tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, trong đó tầm nhìn dài hạn là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, có những phát triển đột phá cho kinh tế hàng hải.

Mới đây, bên lề phiên họp lần thứ 72 Ủy ban Hợp tác kỹ thuật của tổ chức Hàng hải quốc tế diễn ra từ ngày 17-20/10/2022, ông Kitack Lim, Tổng Thư ký tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), đánh giá ngành hàng hải của Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Trao đổi trong buổi làm việc, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đã chia sẻ nhiều thành tựu của ngành hàng hải Việt Nam. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã đưa ra những định hướng phát triển trọng tâm của ngành hàng hải Việt Nam trong tương lai, với những chương trình chiến lược như tăng cường cả về số lượng và chất lượng của đội tàu biển, phát triển cảng biển và nguồn nhân lực hàng hải, cùng những cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải về 0 vào năm 2050.

Nhận định Việt Nam có tiềm năng to lớn về ngành hàng hải, song vẫn chưa khai thác hết do những hạn chế về nguồn nhân lực hàng hải. Ông Kitack Lim, Tổng Thư ký tổ chức Hàng hải quốc tế cho biết tổ chức Hàng hải quốc tế mong muốn trong thời gian tới sẽ triển khai các cơ chế hợp tác với ngành hàng hải Việt Nam, như các cơ quan của Việt Nam sẽ có cơ chế hợp tác với Trường Đại học Hàng hải thế giới, triển khai các chương trình cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo chuyên sâu về hàng hải, từ đó giúp tăng cường đội ngũ nhân lực cả về chất lượng và số lượng.

Đồng tình với những chương trình hợp tác, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết Việt Nam mong muốn tham gia nhiều hơn nữa vào các dự án và hoạt động trong khuôn khổ của tổ chức Hàng hải quốc tế, đồng thời tăng cường sự hiện diện trong các diễn đàn của tổ chức. Mặt khác, ông Giang cũng đề xuất việc các cuộc họp của IMO chuyển sang hình thức hỗn hợp, cả trực tiếp và trực tuyến, để Việt Nam và các quốc gia khác có thể đảm bảo sự tham gia thường xuyên.

So với nhiều quốc gia, lãnh thổ trong khu vực, vùng biển của Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng, chẳng hạn như vị trí thuận lợi ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông. Bờ biển Việt Nam cũng rất gần các tuyến hàng hải nên rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế./.

PV