Bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 14:06, 19/10/2022

Để bảo vệ bền vững nguồn nước, trong Luật bảo vệ môi trường Chính phủ đã có những quy định rất chi tiết. Bởi bảo vệ môi trường nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong tình hình hiện nay, khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trong tình trạng báo động.

Nước là một trong những tài nguyên vô giá và không thể thiếu trong hoạt động sống của con người và các sinh vật khác trên trái đất. Nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt của con người đang ngày càng cạn kiệt và có nguy cơ ô nhiễm cao. Do đó, chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp hiệu quả để bảo vệ được nguồn nước sạch phục vụ cho đời sống của chính chúng ta.

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững - Ảnh 1.

Cần phải bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Ảnh minh họa

Ô nhiễm môi trường nước đang ngày một gia tăng

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên thế giới hiện nay không chỉ xảy ra ở khắp các châu lục. Theo báo cáo ô nhiễm môi trường nước của UNEP, có tới 60% dòng sông của châu Á - Âu - Phi bị ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ.

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021, tại Thành phố Hà Nội: Khoảng 350 - 400 nghìn m3 nước thải và hơn 1.000m3 rác thải xả ra mỗi ngày, nhưng chỉ 10% được xử lý, số còn lại xả trực tiếp vào sông ngòi gây ô nhiễm nước khiến cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, mức độ ô nhiễm rộng khắp 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ); Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Ô nhiễm môi trường nước điển hình nhất là ở cụm công nghiệp Thanh Lương, có tới khoảng 500.000m3 nước thải/ngày từ các nhà máy bột giặt, giấy, nhuộm…

Còn theo Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường Cộng đồng, khoảng 70% nước thải từ các khu công nghiệp không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Không khó để bắt gặp tình trạng nhiều nơi nước sông ngả màu đen, rác thải nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối. Tất cả đều do sự thờ ơ và ý thức chưa cao của một bộ phận người dân. Điển hình như ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các con sông, nồng độ chất ô nhiễm trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép (từ 1,5 đến 3 lần).

Nước vô cùng cần thiết với đời sống con người là vậy, nhưng, chính con người chúng ta lại làm suy thoái, phá hủy nguồn nước sạch từng giờ từng ngày, vì nhiều nguyên nhân khác nhau: Dân số tăng nhanh, rác thải sinh hoạt ùn ứ, tắc nghẽn, không được tái chế mà thải trực tiếp ra môi trường đất, môi trường nước.

Bên cạnh đó là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển, các công ty, xí nghiệp, nhà xưởng... mọc lên như nấm. Cùng với đó là rác thải, nước thải công nghiệp xả tràn lan ra sông suối, ao hồ, đất đai... Hóa chất, kim loại nặng ngấm trực tiếp vào nước sông suối ao hồ, hoặc thấm qua đất rồi làm ô nhiễm đến mạch nước ngầm.

Cùng với đó, quá trình nông nghiệp công nghiệp hóa sử dụng tràn lan, bữa bãi, vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu... làm các hóa chất độc hại thấm qua đất ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Hàng năm, việc gây ô nhiễm môi trường nước đã gây ra nhiều loại bệnh tật. Khi con người uống hay sử dụng nguồn nước bẩn cho đời sống sinh hoạt, sản xuất thì sẽ có những ảnh hưởng xấu dù ít hay nhiều đối với sức khỏe của chúng ta. Số lượng người mắc các bệnh cấp tính và mãn tính như: bệnh tả, viêm gan, bệnh lỵ, nhiễm giun sán,...ngày càng gia tăng. Cùng với đó, hành vi vi phạm bảo vệ môi trường nước đã phá hủy nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Hệ sinh thái là môi trường mà trong đấy các loại sinh vật sinh sống và tồn tại có sự phụ thuộc lẫn nhau, tạo nên mạng lưới phức tạp các chuỗi thức ăn từ thực vật đến động vật, vi sinh vật.

Đặc biệt, hóa chất và kim loại trong nước thải công nghiệp, rác thải, dầu tràn...thải ra sông, ra biển thì không chỉ gây ô nhiễm mỗi môi trường nước mà còn ảnh hưởng đến cả môi trường đất, không khí...cũng như ảnh hưởng đến sinh vật dưới nước. Nhiều loài sinh vật dưới nước bị giảm tuổi thọ, giảm khả năng sinh sản, nhiều sinh vật khác còn bị mắc kẹt trong các chai lọ nhựa, lưới đánh bắt...

Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở nước ta đã kéo theo những hệ lụy khủng khiếp cho con người. Cứ mỗi năm các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở nước ta:

Theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn; Khoảng 20.000 người phát hiện bị ung thư nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen - hay là Arsenic vô cơ lại là một chất hóa học cực độc thường được sử dụng trong việc tạo ra các loại thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu.

Theo WHO, khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước bị không đạt chất lượng. 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.

Những vấn đề về ô nhiễm môi trường nước nêu trên sẽ không ngừng gia tăng nếu mỗi ngày nếu chúng ta không nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp giảm thiểu, loại trừ.

Cần có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường nước

Để sử dụng và bảo vệ nguồn nước bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã Hoàn thiện quy hoạch các lưu vực sông. Quy hoạch dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các tần suất nước. Đồng thời, Bộ TN&MT đang gấp rút xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2023.

Ngoài ra, để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình chung tay bảo vệ môi trường nước đã được triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương với các biện pháp hữu hiệu như: nâng cao ý thức cộng đồng; giữ sạch nguồn nước; tiết kiệm nguồn nước sạch; xử lý phân thải đúng cách; phân loại và xử lý đúng các loại rác thải sinh hoạt; biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp; hướng tới nông nghiệp xanh; hạn chế sử dụng túi đựng thực phẩm; tận dụng sản phẩm có thể tái chế; tránh gây ô nhiễm trong nông nghiệp.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ một số hành vi vi phạm bảo vệ môi trường nước: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; Đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xả, thải các chất gây ô nhiễm vào môi trường nước vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép hoặc gây ô nhiễm môi trường nước;....

Trong đó, trách nhiệm hình sự áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và hành vi đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm./.

TH