Kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển khả quan, toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Truyền thông - Ngày đăng : 10:14, 23/10/2022
Tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đã có 14/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Báo cáo cho biết kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn song các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng đạt 8,83%; dự đoán tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đặt ra trước đó là 6 - 6,5%. Trong đó, nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, khu vực dịch vụ đã phát triển sôi động trở lại. Báo cáo cho biết nền kinh tế phục hồi ở đồng đều các địa phương, ngành nghề, nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao …
Chính phủ vẫn đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng như 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, nhờ đó đã tạo được những chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, đơn vị đã thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đặc biệt, vấn đề cải cách thủ tục hành chính được các địa phương, ban ngành tích cực đẩy mạnh, nhờ đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Công tác an sinh xã hội cũng được triển khai thiết thực, kịp thời. Đến nay, gần 56 triệu lượt người dân, người lao động đã nhận được hỗ trợ khoảng 87.000 tỉ đồng vì dịch bệnh COVID-19.
Trong những tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực y tế, không lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Lĩnh vực y tế cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Nhiệm vụ quan trọng những tháng cuối năm là cần ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Các đơn vị theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần đảm bảo đảm ổn định hàng hóa cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.
Chính phủ cũng đưa ra những nhận định về tình hình thế giới trong năm 2023, có thể có nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Vì thế, Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, cần có giải pháp đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro, đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được Chính phủ đặt ra là khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%-6%...
Chính phủ đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện nhằm đạt những mục tiêu này. Trong đó, đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chúng ta tiếp tục hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới./.