Kết nối hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và Ireland
Truyền thông - Ngày đăng : 10:06, 22/10/2022
Trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực thi nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, nền nông nghiệp nước nhà liên tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã chuyển từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, trở thành một nước có nền nông nghiệp hàng hoá. Thành tựu này của nông nghiệp đã không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới và trong khu vực.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu ra thế giới và những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Các mặt hàng như cá ngừ, basa, cà phê, tôm, hạt điều Việt Nam đã có vị trí vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và trở thành thực phẩm quan trọng với người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, dù đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, song nhiều thách thức, khó khăn đang đối mặt với ngành nông nghiệp Việt Nam, trong tiến trình hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Thứ trưởng Trần Duy Đông đã đưa ra nhiều phân tích, cho thấy để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thì việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, Ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, do đó Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu hầu hết máy móc thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, những khó khăn về giống, vật nuôi vẫn khiến doanh nghiệp và nông dân lúng túng, phải nhập khẩu giống, vật nuôi từ nước ngoài. Chưa kể, nông sản Việt vẫn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết giữa các nhà phân phối, bán lẻ lớn còn chưa chặt chẽ. Khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Nhân lực chưa được đào tạo về tiến bộ công nghệ, kỹ thuật.
Nhằm nâng cao chất lượng và cải thiện hiệu quả cho ngành nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Thương vụ Ireland và một số bộ ngành liên quan của chính phủ hai nước, tổ chức Hội nghị kết nối Ireland - Việt Nam: nông nghiệp trong thời đại 4.0. Thông qua Hội nghị, các kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được chia sẻ. Mong muốn hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước được thúc đẩy, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đồng thời góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước cùng phát triển.
Nhờ chú trọng nghiên cứu và phát triển thị trường nông nghiệp, Ireland là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Ireland đạt chất lượng cao do áp dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, đặc biệt nhấn mạnh khả năng truy xuất nguồn gốc.
Lĩnh vực nông sản và thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Ireland và là nhân tố chính đóng góp cho tăng trưởng của quốc gia. Các doanh nghiệp nông nghiệp Ireland nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc, ứng dụng công nghệ cao đã giúp doanh nghiệp nông nghiệp Ireland tăng cường khả năng cạnh tranh; áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về quản lý an toàn thực phẩm, nhờ đó đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu ra thế giới. Ireland đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững quốc gia với sự tham gia của Chính phủ, các nhà sản xuất và khu vực tư nhân.
Các doanh nghiệp đến từ Ireland đều nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp với nhiều loại cây trồng và vật nuôi phong phú, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Việt Nam và Ireland có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, cần nâng cao việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà sản xuất sẽ giúp nông nghiệp trở thành ngành kinh tế bền vững./.