Đẩy mạnh phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Truyền thông - Ngày đăng : 11:16, 21/10/2022

Truyền thông để hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm và phát hiện gia cầm nghi, có biểu hiện bị bệnh, có hành động chống dịch kịp thời và báo cáo chính quyền, cơ quan thú y.

Từ đầu năm 2022 đến nay, có 19 tỉnh, thành phố đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm. Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm và trên 77.000 con gia cầm đã buộc phải tiêu hủy. Tổng đàn gia cầm cả nước lớn, trong khi đó lối chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ còn chiếm đa số. Đặc biệt, những đơn vị chăn nuôi chưa đảm bảo về an toàn dịch bệnh. 

Các yêu cầu về vệ sinh thú y chưa được thực hiện, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Do đó, dịch bệnh cúm gia cầm có nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng, nhất là khi các hoạt động giao thương buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cần dự báo sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Mới đây, thông tin của Bộ Y tế cho biết đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Ca bệnh diễn ra sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5. 

Trước nguy cơ trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn số 7061/CĐ-BNN-TY gửi cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện nêu rõ việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Theo Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp nâng cao công tác phòng chống dịch. Những địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Các địa phương cũng cần tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, xử lý kịp thời, hiệu quả nguồn lây nhiễm, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Ngoài ra, để phòng chống dịch hiệu quả, cần tiến hành tiêm phòng khoanh vùng ổ dịch. Toàn bộ đàn gia cầm tại địa phương có dịch đều phải được tiêm phòng. Việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch cần được các cơ quan y tế, thú y phối hợp chặt chẽ để xử lý ổ dịch trên gia cầm và trên người.

Để chống dịch hiệu quả và nâng cao ý thức phòng, chống dịch, công tác thông tin, tuyên truyền cần được chú trọng. Truyền thông để hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm và phát hiện gia cầm nghi, có biểu hiện bị bệnh, có hành động chống dịch kịp thời và báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam./.

TC