Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia rất cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội

Truyền thông - Ngày đăng : 10:04, 21/10/2022

Quá trình tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ phụ thuộc lớn vào sự phát triển và ổn định của ngành năng lượng.

Bộ Công thương đang chủ trì xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo Chiến lược, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu chung đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững với chất lượng cao và giá cả hợp lý. Ngoài ra, Quy hoạch năng lượng quốc gia cũng góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Quy hoạch cũng nhằm chuyển đổi năng lượng góp phần đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế năng lượng Việt Nam đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. Các nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên… đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. Trong khi trước đó, những nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia là xuất khẩu dầu thô và than. Nhập khẩu năng lượng có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Chính vì thế, để đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ cũng như vượt qua khó khăn, thách thức chung trên quốc tế và cả tình hình trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được đánh giá thực sự cần thiết.

Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện, việc xây dựng chiến lược hay quy hoạch phát triển năng lượng phải dựa trên số liệu tiềm năng, trữ lượng tài nguyên đất nước theo từng phân ngành.

Các sản phẩm như điện, than, xăng dầu, khí… của ngành năng lượng được ví như “nguồn sống” của nền kinh tế. Vì vậy, quá trình tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ phụ thuộc lớn vào sự phát triển và ổn định của ngành năng lượng. Chính vì thế, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành năng lượng, trong đó nhấn mạnh chiến lược, quy hoạch phải “đi trước một bước” để tạo nền tảng, tiền đề phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo các ý kiến góp ý, chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng bền vững cảu quốc gia cần phải bảo đảm tính khả thi cao nhất, vì thế các mục tiêu, kế hoạch đề ra phải bám sát định hướng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tình hình phát triển thực tế. Chiến lược, kế hoạch phát triển ngành năng lượng cần đi cùng với nhịp đập của thực kế cũng như kế hoạch phát triển kinh tế. 

Việc đảm bảo tính khả thi, bám sát thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của chiến lược phát triển năng lượng quốc gia rất quan trọng. Bên cạnh việc xây dựng trên cơ sở đánh giá tiềm năng, trữ lượng của đất nước, Quy hoạch cũng cần đảm bảo tính liên thông giữa các phân ngành năng lượng. Các chiến lược phát triển năng lượng bền vững quốc gia cần đặt ra những mục tiêu, định hướng chung cho cả ngành và từng phân ngành năng lượng. Sau đó, từng phân ngành năng lượng sẽ cụ thể hóa những yếu tố mang tính chi tiết, phù hợp với sự phát triển của từng phân ngành.

Ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng, thực sự là nền tảng cho các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như tinh thần đã được Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đặt ra./.

Trần Cao