Kinh tế số Đông Nam Á cán mốc 200 tỷ USD trước dự kiến 3 năm
Tin tức - Ngày đăng : 08:52, 28/10/2022
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy các nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm 2022 và đạt cột mốc GMV 200 tỷ USD trước 3 năm so với các dự đoán trước đó, tăng 20% so với GMV năm 2021 (161 tỷ USD). Trước đó, một báo cáo vào năm 2016 của Google, Temasek và Bain & Company ước tính nền kinh tế Internet tại 6 quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á sẽ đạt con số này vào năm 2025.
6 nền kinh tế lớn được đề cập trong báo cáo là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Báo cáo không đề cập đến các quốc gia khác như Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar, cũng như Đông Timor và Papua New Guinea.
Báo cáo năm nay cho biết: "Sau nhiều năm tăng tốc, tốc độ tăng trưởng áp dụng kỹ thuật số đang bình thường hóa".
Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet - với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng lên 460 triệu người. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó đang bắt đầu chậm lại và chỉ tăng 4% so với năm 2021, trong khi con số này lên tới 10%/năm vào năm 2021 và 11% vào năm 2020 tại đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Tất cả 6 quốc gia được đề cập trong báo cáo đều đạt mức tăng trưởng hai con số về GMV từ năm 2022 đến năm 2025. Trong số đó, Việt Nam dẫn đầu khu vực với dự báo tăng trưởng GMV đạt 31% từ ngưỡng 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD trong năm 2025. Philippines theo sau với mức tăng trưởng GMV dự kiến là 20% từ ngưỡng 20 tỷ USD năm 2022 lên 35 tỷ USD năm 2025.
Thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng trong khu vực mặc dù hoạt động mua sắm ngoại tuyến tiếp tục được khôi phục khi các đợt giãn cách đại dịch được gỡ bỏ. GMV trong lĩnh vực này đã tăng 16% lên 131 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo dự đoán trong 3 năm tới mức tăng trưởng trong lĩnh vực TMĐT dự kiến sẽ chững lại, với tốc độ tăng trưởng hai con số (CAGR) là 17% từ năm 2022 đến năm 2025.
Báo cáo cho biết: TMĐT tiếp tục tăng tốc, giao hàng thực phẩm và phương tiện truyền thông trực tuyến đang quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, trong khi việc phục hồi đi lại và vận chuyển về mức trước COVID sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Một động lực tăng trưởng khác cũng đóng góp vào kết quả này là sự phát triển của các dịch vụ tài chính số, bao gồm thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư và bảo hiểm. Trong số các dịch vụ này, bảo hiểm ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, tăng 31%/năm, trong khi cho vay tăng 25%/năm.
Tăng trưởng trong việc áp dụng kỹ thuật số chậm lại
Sau nhiều năm tăng tốc, tốc độ tăng trưởng áp dụng kỹ thuật số đang bình thường hóa, báo cáo cho biết. Điều này xảy ra khi các nền kinh tế Đông Nam Á mở cửa trở lại vào năm 2022 sau thời gian ngừng hoạt động kéo dài và người tiêu dùng tiếp tục mua sắm ngoại tuyến.
Ngoài ra, các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay như tỷ lệ lạm phát tăng cao đã tác động đến người tiêu dùng Đông Nam Á và nền kinh tế số. Báo cáo cho biết giá cả tăng, thu nhập giảm do suy thoái kinh tế cũng như người tiêu dùng ít tiếp cận với sản phẩm hơn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong khi tồn đọng sản xuất tăng lên, một phần do chính sách zero-COVID của Trung Quốc.
Theo báo cáo, nền kinh tế trực tuyến của Đông Nam Á vẫn đang trên đà đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 khi mua sắm trực tuyến trở thành tiêu chuẩn.
Nhìn chung, nền kinh tế Internet ở 6 quốc gia được dự đoán sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025 nếu các công ty tại đây tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận trong 3 năm tới. Một số kỳ lân lớn nhất Đông Nam Á như Grab và Sea Limited vẫn chưa đạt được lợi nhuận và lỗ hàng tỷ USD vào năm 2021.
Các nhà đầu tư cần thận trọng
Các khoản đầu tư tiếp tục có động lực mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, nhưng các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn.
"Các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong ngắn hạn vì hầu hết không mong đợi hoạt động giao dịch trở lại vào năm 2021 và mức định giá đạt đỉnh trong vài năm tới", báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư vẫn lạc quan vào tiềm năng trung và dài hạn của Đông Nam Á. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn cung cấp cho khu vực này 15 tỷ USD dry powder (chứng khoán thị trường có tính thanh khoản cao và được coi như giống tiền mặt hoặc lượng tiền mặt dự trữ) để duy trì các giao dịch. Các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng cao trong các lĩnh vực non trẻ như SaaS và Web3.
Theo báo cáo, các khoản đầu tư giai đoạn cuối đang bị ảnh hưởng bởi triển vọng niêm yết công khai mờ nhạt.
Sau khi chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq trong một đợt IPO được coi như lớn nhất của một công ty Đông Nam Á trong lịch sử Mỹ, gã khổng lồ đặt xe và giao đồ ăn Grab đã chứng kiến cổ phiếu của mình hoạt động yếu kém. Một công ty công nghệ niêm yết tại sàn NYSE khác của Đông Nam Á là Sea Group cũng đang trải qua khoảng thời gian kinh doanh mờ nhạt và phải tái cơ cấu nhân sự để giảm thiểu chi phí.
FinAccel - công ty mua lại nền tảng mua trước trả sau Kredivo của Indonesia - cũng đã phải hủy kế hoạch IPO vào tháng 10 do điều kiện thị trường không thuận lợi./.