Các chính sách kinh tế số của Việt Nam sẽ thúc đẩy lĩnh vực đổi mới sáng tạo

Hội nhập - Ngày đăng : 13:52, 28/10/2022

Sự kết hợp của nhiều yếu tố sẽ tạo động lực để Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế số từ mức đóng góp 8.2% vào GDP hiện tại lên mức 20% vào năm 2025.

Tầm nhìn về chuyển đối số và cách mạng công nghiệp 4.0

Trong hơn 20 năm qua, doanh nhân Việt Nam với tinh thần cần cù và sáng tạo, được sự hỗ trợ của các chính sách đúng đắn của chính phủ, đã hình thành nên một hệ sinh thái số phát triển mạnh mẽ. 

Tại sự kiện phát động chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 với chủ đề “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022: Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra sáng 25/10/2022, Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, cho biết Meta đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tầm nhìn về chuyển đối số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge) là chương trình thường niên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN).  Sáng kiến được khởi xướng bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên Đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là chương trình chiến lược để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Tập đoàn Meta đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi này với những hành động cụ thể như hỗ trợ Bộ Y tế trong chiến dịch truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt lượng tiếp cận hơn 40 triệu người; triển khai đào tạo kỹ năng số cho 580.000 học sinh, gần 25.000 giáo viên và 64.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ vài tháng trước, tại San Francisco, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tập đoàn Meta đã ký Biên bản ghi nhớ để khởi động chương trình mang tên Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân cả trong và ngoài nước để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia. Chủ đề của “Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2022” là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Trong giai đoạn 2018 - 2019, Meta đã ra mắt ba cộng đồng lập trình viên Developer Circles tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, qua đó cung cấp hỗ trợ cho hơn 3.000 lập trình viên trong nước. Developer Circles là mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ tuổi của Việt Nam, các thành viên sẽ có cơ hội tiếp cận các nội dung đào tạo và tập huấn từ các chuyên gia của Facebook (tên cũ của Meta) thông qua các sự kiện trực tiếp và hoạt động hỗ trợ trực tuyến. 

Trong các năm 2019 và 2020, Meta đã tổ chức hai cuộc thi Thử thách Đổi mới dành cho các nhà lập trình Việt Nam để nâng cao kỹ năng cho các lập trình viên trẻ. Hơn 800 sinh viên công nghệ đã tham gia các chương trình thi đấu và đào tạo kéo dài 6 tháng này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số

Năm 2019, Việt Nam khởi động chiến lược “Make in Vietnam” nhằm phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT trong nước hướng tới việc chuyển từ lắp ráp và gia công sang thành một ngành công nghiệp có năng lực sáng tạo và thiết kế sản phẩm tại chỗ. Việt Nam được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi như: Việt Nam xếp thứ 44 trên thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 và đứng thứ nhất trong số 34 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Người dân Việt Nam có tinh thần kinh doanh, sáng tạo, trẻ trung, có ý chí và kiên cường. Những đặc điểm này có thể giúp đất nước vượt lên trên chính mình để định hình tương lai của không gian số. Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia tích cực nhất trong công nghệ Internet thế hệ Web 3.0.

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G vào năm 2019 và đã bắt đầu triển khai 5G vào năm 2022.

Trong báo cáo năm 2022 do Tập đoàn Meta và công ty tư vấn Bain & Company thực hiện với tựa đề 'Người tiêu dùng số khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển mới', Việt Nam đứng đầu trong số 11 quốc gia Đông Nam Á về việc áp dụng công nghệ tương lai. Thái độ tích cực đón nhận các công nghệ tương lai này - không chỉ của các công ty khởi nghiệp, mà còn của đông đảo người dân giúp Việt Nam vững bước trên con đường đạt được mục tiêu chiến lược “Make in Vietnam”.

Các chính sách kinh tế số của Việt Nam sẽ thúc đẩy lĩnh vực đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta

Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách luật pháp toàn diện để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho kỷ nguyên số. Sự kết hợp của các yếu tố này sẽ tạo động lực để Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng là phát triển nền kinh tế số từ mức đóng góp 8.2% vào GDP hiện tại lên mức 20% vào năm 2025, và chuyển đổi từ nền sản xuất công nghệ thấp sang nền kinh tế định hướng dịch vụ.

“Tôi có thể hình dung về tương lai Việt Nam phát triển mạnh mẽ không kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Đó là một tương lai trong đó Việt Nam dẫn đầu khu vực về kinh tế xanh, về công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, sản sinh ra nhiều công ty kỳ lân hơn trước và đưa chúng ta vào vũ trụ ảo Metaverse - một thế giới số với tiềm năng vô song có thể mở ra thật nhiều cơ hội mới cho kinh tế và xã hội phát triển”, Tiến sĩ Rafael Frankel nói. “Chúng tôi hy vọng rằng các chính sách kinh tế số của Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như lĩnh vực đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh chóng của mình”.

InnovateVN - Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam đặt ra các mục tiêu như đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp 40% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; Hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030; Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện tại Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự hiện diện và hoạt động tại Việt Nam của nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới. 

Mục tiêu của chương trình năm 2022 là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu./.

Hải Anh