Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam
Hội nhập - Ngày đăng : 09:00, 28/10/2022
Hội nghị tổng kết Dự án "Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam" (Dự án VEEIE) vừa được Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội.
Với mục tiêu giúp các ngành công nghiệp cải thiện việc sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả và tiết kiệm, Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam” đã được triển khai trong 4 năm, từ năm 2018 đến năm 2022. Tổng kinh phí thực hiện Dự án sau điều chỉnh là 54,6 triệu USD. Việc triển khai Dự án được đánh giá cao, giúp các ngành công nghiệp cùng đóng góp vào mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo thông tin ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội nghị, Dự án đã đạt nhiều kết quả, thành tích khả quan sau 4 năm triển khai. 2 Hợp phần của Dự án đều được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Với nỗ lực của các ban ngành, hơn 100 doanh nghiệp đã được cung cấp, tiếp cận thông tin dự án, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp đã được hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như các kỹ thuật đánh giá hiệu quả vận hành, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả đầu tư cũng như các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tham gia Dự án, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được với nguồn vốn vay đầu tư, tạo điều kiện cho họ thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng, từ đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh được nâng cao. Những hành động này cũng giúp tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Dự án cũng đã giúp các ngân hàng tham gia trong các bước như sàng lọc, nhận diện các dự án tiết kiệm năng lượng, tính toán mức tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp; đánh giá tính khả thi và phân tích tài chính chính xác cho các dự án tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Phương Hoàng Kim, mục tiêu của Dự án đã đạt được. Mức độ tiết kiệm năng lượng đạt được hàng năm đã vượt 72,5% kế hoạch với mức tiết kiệm mỗi năm là khoảng 1,18 triệu MWh/ năm. Mỗi năm, lượng phát thải khí nhà kính đã giảm khoảng 996.000 tấn CO2/ năm, vượt 8,5% so với kế hoạch đề ra. Những thành quả này thực sự thiết thực, đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp cũng như mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia.
Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Chu Bá Thi, cho rằng Việt Nam cần tích hợp ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể giúp tổng lượng phát thải ở Việt Nam giảm khoảng 40-50%, theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng quốc tế.
Ngân hàng thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng các cơ quan của Chính phủ để thực hiện nhiều chương trình, dự án về tiết kiệm năng lượng, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách cho các dự án, tài trợ tài chính nhằm thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam là một dự án thí điểm có quy mô lớn nhất về đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam./.