Thương mại điện tử bùng nổ: Bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến

Hội nhập - Ngày đăng : 09:22, 27/10/2022

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Bộ Công thương hoàn thiện và trình Quốc hội, có các điều khoản bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của cả người tiêu dùng, người làm kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các tổ chức xã hội.

Việt Nam đang chứng kiến nền thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây, sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Sách Trắng TMĐT Việt Nam năm 2021 cho biết bất chấp dịch bệnh, ngành TMĐT vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN. Mua sắm trực tuyến trong nước dự báo có thể chạm ngưỡng 60 triệu lượt trong năm 2022.

Thương mại điện tử tăng trưởng, song song đó cũng có nhiều khách hàng chưa hài lòng khi trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã công bố đường dây nóng 18006838. Bộ Công Thương cho biết liên quan đến các hành vi kinh doanh trên không gian mạng, số lượng các khiếu nại tố cáo đã tăng lên rất nhanh, chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư khiếu nại. Những vấn đề được phản ánh nhiều như chậm trả đơn hàng hoặc không trả đơn hàng; không chịu bồi thường cho hàng hóa, sản phẩm lỗi hoặc cung cấp sản phẩm không bảo đảm…

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), có nhiều nguyên nhân khiến số lượng khiếu nại tăng cao. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các đạo đức kinh doanh, quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã cố tình cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả. Thậm chí, người tiêu dùng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc.

Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Những hoạt động như tổ chức để các sàn thương mại điện tử ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại. Để tăng cường chia sẻ thông tin cũng như giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi không lành mạnh, cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh phối hợp lực lượng chuyên ngành, tiến hành xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khuyến cáo cho người tiêu dùng về những hành vi có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; chẳng hạn như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP… 

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Bộ Công thương hoàn thiện và trình Quốc hội. Dự thảo có các điều khoản bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của cả người tiêu dùng, người làm kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các tổ chức xã hội. Dự thảo cũng có chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó có không gian mạng. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là tín hiệu vui để người tiêu dùng được bảo vệ nhiều hơn khi tham gia mua sắm trên môi trường trực tuyến./.

HA