Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử - hoàn thiện hành lang pháp lý trong giai đoạn mới

Truyền thông - Ngày đăng : 05:57, 31/10/2022

Việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đòi hỏi từ thực tế khách quan

Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành ngày 1/3/2006. Luật có 8 chương, 54 điều. Trong 17 năm được áp dụng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã đóng vai trò quan trọng về việc tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học và công nghệ vào cải cách hành chính.

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị định, thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện đối với các hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, ngân hàng cũng như các quy định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Tuy nhiên, hiện nay, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ một số bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế phát triển, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Những lỗ hổng của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 bắt nguồn từ việc luật được xây dựng vào thời điểm ngành công nghệ thông tin của Việt Nam cũng như lĩnh vực giao dịch điện tử, chính phủ điện tử và thương mại điện tử chưa phát triển. Giờ đây Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn bằng sự tham gia các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do (AFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA)... Trong giai đoạn mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số đặt ra nhiều thách thức về chính sách và mô hình quản lý giao dịch điện tử.

Các quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử chưa phù hợp với thực tiễn và chưa có quy định về các cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ, các trường hợp sử dụng để chữ ký điện tử có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu đa dạng của các giao dịch điện tử.

Các quy định về giao kết và hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn chung chung, đặc biệt là các quy định mang tính chất đặc thù trong hoạt động giao kết như: quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng điện tử, quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, điều kiện có hiệu lực, hợp đồng có hiệu lực và hợp đồng vô hiệu khi tiến hành dưới hình thức điện tử.

Các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ ở mức nguyên tắc khung, không đủ cụ thể để áp dụng trong thực tế. Giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước đã phát triển mạnh mẽ (dịch vụ công trực tuyến, gửi - nhận văn bản điện tử, trao đổi dữ liệu…) nhưng chủ yếu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật và cần phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển.

Quy định các vấn đề liên quan trong giải quyết tranh chấp của giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu hoặc chưa có các quy định dẫn chiếu cụ thể đến các luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù, liên quan đến việc ký kết và thực hiện giao dịch điện tử….

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để hoàn thiện hành lang pháp lý trong giai đoạn mới - Ảnh 1.

Luật Giao dịch điện tử phải được bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta.

Đột phá lớn để thúc đẩy các giao dịch điện tử

Kết quả tổng kết 17 năm thực thi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho thấy, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, phải được sửa đổi; sự phát triển của đất nước trong tình hình mới cũng đòi hỏi luật phải được bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo đúng định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm xây dựng luật trở thành nền tảng pháp lý điều chỉnh các vấn đề chung phát sinh trong giao dịch trên môi trường điện tử theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, tạo hành lang pháp lý ghi nhận và bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ có 8 chương và 56 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Theo đó, luật sửa đổi có một số điểm mới so với luật hiện hành như chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký số chuyên dùng chính phủ; sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng…

Phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.

Mục đích hướng đến là tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, quy định chi tiết cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử. Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.

Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV (ngày 25/10/2022), trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Ủy ban tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan./.

PV