Tạo vùng nguyên liệu sản xuất an toàn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu
Truyền thông - Ngày đăng : 15:30, 31/10/2022
Xây dựng được trên 2.300 vùng, sơ sở an toàn dịch bệnh
Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh, gồm: 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Dự kiến, trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5-6% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60 nghìn tấn mật ong.
Hiện nay, Cục Chăn nuôi và Sở NN&PTNT, Chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mật độ phù hợp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Cùng với đó là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Cục Chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao và áp dụng phần mềm quản lý giống tiên tiến để đánh giá, chọn tạo giống.
Các địa phương tuyên truyền và hỗ trợ phát triển các chuỗi ngành hàng lớn, sản phẩm chăn nuôi chủ lực, các chuỗi sản phẩm đặc hữu, hữu cơ, tích hợp giá trị sinh thái. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, giảm chi phí thú y.
Cục Chăn nuôi cũng thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Trong đó, xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm. Lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Bộ NN&PTNT đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu hơn 430 triệu USD. Đặc biệt các sản phẩm thịt gà chế biến chín đã được xuất khẩu sang 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (bao gồm: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Liên bang Nga và 5 nước Liên minh Á Âu); trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.500 tấn.
An toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững
Trong chăn nuôi, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm động vật trong vùng ATDB khi xuất bán được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch. Đây là lợi thế rất lớn khi mà diễn biến dịch bệnh động vật hiên nay đang phức tạp.
Tuy nhiên, việc triển khai vùng ATDB ở nước ta còn khá khiếm tốn. Riêng với Hà Nội, mặc dù đứng top đầu cả nước về chăn nuôi nhưng hiện mới có 4 vùng ATDB dại, duy trì 38 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn. Do đó, hiện nay xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn khá hạn chế.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, để duy trì được đà tăng trưởng một cách bền vững thì một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp thực hiện đó là thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu với mục tiêu tạo ra các vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung. Đây là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản.
Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và nhiều nghị quyết có nội dung liên quan đến xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; 5 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi,… Tại các văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ xuất khẩu. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan.
Để đáp ứng tốt yêu cầu về ATDB của thị trường xuất khẩu, mới đây, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về vùng ATDB giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng ATDB tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước.
Vừa qua, tại Hội nghị phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của kiểm soát dịch bệnh nói chung và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu nói riêng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh đến chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.
Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những FTA thế hệ mới đang thực hiện, Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu thì phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến.../.