Đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 22:24, 31/10/2022

Công tác xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh trong thời gian tới để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kiểm soát dịch bệnh nói chung và xây dựng chuỗi, vùng ATDB động vật phục vụ xuất khẩu nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học.

Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây sang người ở phạm vi cả nước nói chung, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Xây dựng vùng ATDB là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động.

Hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận ATDB đối với 20 bệnh, bao gồm: 1.687 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB; 2.386 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi lợn ATDB; 52 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác (còn hiệu lực).

Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt "Kế hoạch quốc gia triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030", trong đó Hợp phần 1 về "Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2022 – 2030" có mục tiêu xây dựng được các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, về vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh CGC và Newcaste theo quy định của Việt Nam: Đến năm 2023, xây dựng 6 huyện của Bình Phước; đến 2025, xây dựng thêm 11 huyện khác của Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM; đến 2030, duy trì các huyện thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đạt ATDB, đồng thời xây dựng các vùng ATDB tại các địa phương khác vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.

Về vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh CGC và Newcastle theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): Đến 2025, xây dựng 4 huyện của Bình Phước; đến 2030, xây dựng thêm 6 huyện khác của Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; từ năm 2026 trở đi, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện ATDB không áp dụng biện pháp tiêm phòng vắc xin.

Về vùng chăn nuôi gia súc ATDB theo quy định của Việt Nam: Duy trì 4 huyện của tỉnh Bình Dương ATDB đối với các bệnh Lở mồm long móng (LMLM) và Dịch tả lợn (DTL); đến 2025, xây dựng thêm 4 huyện của tỉnh Bình Phước, ít nhất 2 huyện của Đắk Nông và Lâm Đồng ATDB đối với các bệnh LMLM và DTL. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và Tai xanh tại 8 huyện của tỉnh Bình Dương và Bình Phước nhằm hướng tới xây dựng các huyện này ATDB đối với bệnh DTLCP và Tai xanh từ năm 2026 trở đi.

Về xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ATDB theo tiêu chuẩn của OIE: Đến 2025, xây dựng 4 huyện của Bình Dương ATDB đối với bệnh LMLM và DTL; đến 2030 xây dựng thêm 4 huyện khác của Bình Phước đạt ATDB đối với bệnh LMLM và DTL; xây dựng ATDB đối với bệnh DTLCP và Tai xanh của tỉnh Bình Dương và Bình Phước (đối với các huyện đã ATDB đối với bệnh LMLM và DTL).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi ATDB theo tiêu chuẩn của OIE. Trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước phải tập trung rà soát, chọn khu vực có tính khả thi để xây dựng và mở rộng chuỗi, vùng ATDB động vật, từng bước nhân rộng các vùng chăn nuôi ATDB để có sản phẩm tốt nhất phục vụ xuất khẩu.

"Xây dựng vùng ATDB là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động. Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những FTA thế hệ mới đang thực hiện, Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu thì phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định./.

Đỗ Thêu